Với phương châm “đi tắt đón đầu”, ngành Y tế Việt Nam đã đưa cuộc cách mạng 4.0 vào lĩnh vực khám chữa bệnh và dự phòng, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ.
Một số bệnh viện đã trang bị robot phẫu thuật; các kỹ thuật với “hàm lượng công nghệ cao” khác cũng được đưa vào để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân. Việt Nam đã sản xuất thành công vắc xin phòng cúm A; gây đột biến gene muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết làm cho muỗi này không thể sinh sản được, từ đó giảm véc tơ truyền căn bệnh gây dịch nguy hiểm này. Còn nhiều thành tựu khoa học công nghệ gene, công nghệ sinh học, công nghệ hóa sinh được ứng dụng để sản xuất thuốc, chế phẩm sinh học trong điều trị và phòng chống dịch bệnh.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ bệnh án của bệnh nhân (bệnh án điện tử) bắt đầu được triển khai ở một số địa phương và sẽ nhân rộng ra toàn ngành trong tương lai không xa. Công nghệ thông tin còn được ứng dụng để quản lý sức khỏe của người dân. Đây là biện pháp quản lý hết sức khoa học, giảm thiểu nhân lực, nắm bắt kịp thời, đầy đủ diễn biến sức khỏe của người dân ở bất cứ địa bàn nào mà nhà quản lý cần. Biện pháp quản lý này đang được triển khai thí điểm, nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn và tiết kiệm đáng kể nguồn tài chính cho công tác quản lý.
Riêng hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe (TTGDSK) thời gian qua cũng đã tiếp cận tốt, sử dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có hiệu quả. Một căn bệnh lạ hay dịch bệnh nguy hiểm vừa bùng phát ở một quốc gia nào đó trên thế giới, chỉ vài phút sau thông tin đã được chuyển tải trên các trang mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Một kỹ thuật mới vừa được đưa vào sử dụng ở một trung tâm nào đó trên thế giới thì qua mạng internet, mọi người đều có thể theo dõi thông qua đường truyền tốc độ cao, hình ảnh rõ nét.
Mục tiêu của TTGDSK là nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và thực hiện hành vi sức khỏe để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cá nhân, cộng đồng. Trong thời cách mạng 4.0, TTGDSK cũng cần tận dụng thành tựu của cuộc cách mạng này để hoạt động có hiệu quả. Trước hết, vẫn duy trì và đẩy mạnh các phương pháp TTGDSK truyền thống. Song song đó, mạng internet cần được tận dụng tối đa để TTGDSK. Đây là phương tiện truyền thông cung cấp thông tin cực kỳ hiệu quả, nhanh chóng, rất phù hợp trong việc thông báo dịch, sự kiện y tế, thông tin khoa học mới, thông báo kết quả xét nghiệm… Nhờ internet, ngành Y tế triển khai chẩn đoán, tư vấn điều trị từ xa, tuyến trên xuống tuyến dưới hết sức hiệu quả (telemedicine). Gặp một ca bệnh khó chẩn đoán, các bác sĩ tuyến dưới chỉ cần đưa các dữ liệu lâm sàng, xét nghiệm, hình ảnh lên mạng; các bác sĩ tuyến trên có chẩn đoán chính xác và hỗ trợ điều trị kịp thời, vừa nhanh vừa tiết kiệm chi phí cho người dân và cho xã hội, vừa giảm tải cho tuyến trên…
Mạng viễn thông cũng được tận dụng để TTGDSK. Hiện nay, hầu như nhà nhà, người người đều có điện thoại di động. Sử dụng điện thoại di động thông minh, người dùng có thể giao tiếp với nhau qua facebook, zalo, viber... Sử dụng các trang mạng này để cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe hay tư vấn sức khỏe hết sức hiệu quả. Chỉ cần vài thao tác, một phương pháp hay, một loại thuốc mới, một kỹ thuật y học thực hiện thành công sau vài phút đã có hàng triệu người biết. Hiện nay, nhiều địa phương đã nhắn tin qua điện thoại để nhắc nhở ngày tiêm chủng, loại vắc xin nào cần tiêm và cháu bé nào đúng ngày giờ nào, đến đâu để tiêm chủng tránh bỏ sót mũi tiêm. Nếu thời gian tới, ngành Y tế phối hợp với các nhà mạng để có thể gửi tin nhắn cho những người mắc các bệnh mãn tính cần theo dõi những gì, nhắc nhở, cảnh báo khi có dấu hiệu bất thường thì tốt biết bao.
Và nếu các phần mềm theo dõi sức khỏe được cài đặt trên điện thoại, phần mềm tự phân tích các thông số sinh học của người dùng, sau đó xử lý và đưa ra các hướng dẫn phù hợp thì tốt biết bao!
TTƯT.BSCK1 NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên