Chủ Nhật, 06/10/2024 15:30 CH
Triệu chứng đau đầu: Chẩn đoán đúng để có chiến lược điều trị đúng
Thứ Hai, 14/01/2019 08:00 SA

Nguồn: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

Đau đầu là một triệu chứng thường gặp, nếu không được chẩn đoán đúng thì có khi bỏ sót những bệnh lý nguy hiểm, hoặc xử trí quá mức dẫn đến lạm dụng thuốc không đáng có. Vì vậy, chẩn đoán đúng nguyên nhân đau đầu có ý nghĩa rất lớn trong điều trị cũng như dự phòng, đảm bảo sức khỏe, chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

 

Đau đầu được hiểu là đau nhức nhói ở phần đầu do nhiều căn bệnh khác nhau gây ra. Một số vùng trên đầu và cổ có các cấu trúc nhạy cảm đau. Các cấu trúc này chia làm hai loại: trong sọ (mạch máu, màng não, các dây thần kinh sọ) và ngoài sọ (màng ngoài xương sọ, cơ, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch, mô dưới da, mắt, tai, xoang và niêm mạc). Vì vậy, khi người bệnh đau đầu, cán bộ y tế cần chú ý nắm bắt kỹ các triệu chứng để chẩn đoán đúng nguyên nhân dẫn đến đau đầu.

 

Theo Hiệp hội Quốc tế về bệnh đau đầu, nguyên nhân gây đau được chia thành hai nhóm: đau đầu do các bệnh lành tính và nguy hiểm đến tính mạng và đau đầu do thay đổi thời tiết. Trong nhóm do các bệnh nguy hiểm và lành tính có rất nhiều nguyên nhân như đau nửa đầu, viêm não, màng não, u não, cao huyết áp, nhiễm vi rút, vi trùng, xuất huyết não, stress… Những bệnh lý này cần điều trị, giải quyết triệt để nguyên nhân gây bệnh thì triệu chứng đau đầu mới hết.

 

Cũng theo Hiệp hội Quốc tế về bệnh đau đầu, đau đầu do thay đổi thời tiết là hiện tượng đau, nhức đầu mà tác nhân là sự thay đổi bất thường của thời tiết (nhiệt độ, độ ẩm, áp suất không khí, sự thay đổi về thời tiết từ nóng sang lạnh và ngược lại, thay đổi hướng gió, gặp mưa, thời tiết âm u...) làm cho mạch máu trong khu vực đầu giãn ra tạo hiện tượng đầu đau quay cuồng, như búa bổ và cảm giác như có tiếng đập nhẹ ở trong đầu hay hai bên thái dương. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất, nhưng đau đầu do thay đổi thời tiết không gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và thường không để lại di chứng.

 

Trong năm, khoảng 90% người dân có biểu hiện đau đầu. Trong số những bệnh nhân đau đầu phải vào bệnh viện chỉ có 1% do bệnh lý nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Số liệu thống kê dịch tễ học nêu trên cho thấy trong năm, hầu như mọi người đều có biểu hiện đau đầu, nhưng nguyên nhân thực sự nguy hiểm chiếm tỉ lệ không cao. Do đó, việc theo dõi, phát hiện, điều trị đúng đau đầu rất có ý nghĩa trong bảo vệ sức khỏe của từng người dân nói riêng, cả cộng đồng dân cư nói chung. Trong thực tế, khi có biểu hiện đau đầu, người dân ít khi đến cơ sở y tế để được khám mà tự ý mua thuốc sử dụng, có người “tự chỉ định thuốc” cho mình bằng các thuốc giảm đau, không cần biết nguyên nhân đau đầu là gì! Việc sử dụng thuốc như vậy dẫn đến lạm dụng thuốc, có khi gây nguy hiểm cho tính mạng. Thuốc đều có tác dụng hai mặt, mặt tích cực là tác dụng đúng mục đích, mặt khác còn có tác dụng không mong muốn, còn gọi là tác dụng phụ, nếu lạm dụng sẽ dẫn đến “tiền mất tật mang”.

 

Tác giả bài viết đã tiến hành một khảo sát nhỏ, phỏng vấn ngẫu nhiên vài chục người trưởng thành. Đa số đều trả lời là đã bị đau đầu ít nhất một vài lần trong tháng và khi đau đầu đều tự mua thuốc để uống; hiệu thuốc bán gì uống nấy. Tuy là khảo sát không chính thức, cơ sở đánh giá độ tin cậy không cao nhưng qua đó cũng phần nào cho thấy người dân vẫn còn khá chủ quan và việc sử dụng thuốc giảm đau còn khá phổ biến, không đúng chỉ định.

 

Vậy khi bị đau đầu, cần phải làm gì để bệnh của mình được điều trị hiệu quả nhất?

 

Trước hết, nên chú ý các biểu hiện hay dấu hiệu kèm theo, bởi vì đau đầu do nguyên nhân bệnh lý nào đó thường có triệu chứng phối hợp. Ví dụ: Đau đầu do nhiễm khuẩn thường kèm theo sốt, mệt mỏi, nghẹt mũi (nếu nhiễm khuẩn hô hấp); rối loạn tiêu hóa nếu nhiễm độc thức ăn, mắc bệnh lý tiêu hóa như lỵ; Đau đầu do cao huyết áp thường kèm theo các triệu chứng xây xẩm, chóng mặt, nóng mặt, có khi cảm giác đánh trống ngực do nhịp tim đập nhanh, mạnh. Đau đầu do bệnh lý về não thường kèm theo hội chứng não, màng não… Các trường hợp này, bệnh nhân phải đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

 

Khi đã loại bỏ các nguyên nhân khác, hãy xem đau đầu có liên quan đến áp lực công việc hay không. Làm việc hợp lý, vận động thể lực vừa phải, chơi các môn thể thao ưa thích… sẽ giảm được triệu chứng đau đầu. Khi không có các nguyên nhân trên mà vẫn đau, nên chú ý xem cơn đau đầu xuất hiện có liên quan đến thay đổi thời tiết hay không. Nếu có, những người này nên chủ động theo dõi dự báo thời tiết để có sự chuẩn bị; tốt nhất nên ăn uống đầy đủ, có chế độ sinh hoạt hợp lý, ngủ đủ 8 giờ ngày, không dùng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin nhóm B. Nếu đau đầu nặng có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracethamol hay các thuốc giảm đau non-steroides.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek