Bộ Y tế vừa tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh đông xuân 2018. Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết: Ba loại bệnh hay gặp nhất trong mùa đông xuân là bệnh tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết.
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, bệnh tay chân miệng lưu hành và gặp tại hầu hết 63 tỉnh, thành. Bệnh ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên, số mắc tăng cao chủ yếu từ năm 2011 với khoảng 100.000 ca mắc mỗi năm.
9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 61.821 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó 29.324 trường hợp mắc nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. Số ca mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.
Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi cũng mang đến nguy cơ cao trong mùa đông xuân. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 2.942 ca sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó có 1.093 ca dương tính tại 40 tỉnh, thành phố; 1 ca tử vong tại Hưng Yên (bệnh nhân có bệnh lý nền viêm phổi kéo dài).
So với năm 2017, số ca mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn. Các địa phương có số ca mắc sốt phát ban và sởi dương tính cao như: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, bệnh sốt xuất huyết trong các tuần gần đây có xu hướng tăng nhẹ, do miền Nam đã bắt đầu vào mùa mưa. Tích lũy 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc giảm 53,6%, số tử vong giảm 22 trường hợp.
Theo moh.gov.vn