Bệnh dại hết sức nguy hiểm vì khi bị dại, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong. Biện pháp phòng bệnh duy nhất là tiêm phòng dại khi bị chó, mèo nghi dại cắn. Mặc dù, ngành Y tế liên tục cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm này nhưng vẫn có những trường hợp chết thương tâm do bị dại.
Tại Phú Yên, ngành Y tế và các ban ngành, đoàn thể đã cảnh báo nhiều về bệnh dại nhưng rồi vẫn có người mắc và tử vong. Trong năm 2016, toàn tỉnh có đến 4 người tử vong do bệnh dại, năm 2017 có một người; từ đầu năm đến nay cũng có một người tử vong do dại. Điều đó cho thấy ở những vùng này, vi rút dại đang lưu hành trong đàn chó tại cộng đồng. Đáng lo hơn là việc thống kê đàn chó nuôi trong cộng đồng hết sức khó khăn, việc tiêm chủng cho chó hết sức vất vả. Theo đánh giá chung, tỉ lệ chó được tiêm chủng trong đàn chó nuôi rất thấp. Đây chính là yếu tố nguy cơ cao lây truyền bệnh dại cho người khi bị chó cắn.
Về lý thuyết, nếu chó, mèo được tiêm chủng đầy đủ và khi người bị chó, mèo cắn thực hiện theo dõi, tiêm chủng đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng thì không có bệnh dại xảy ra. Tuy nhiên, giữa lý thuyết và thực tiễn còn khoảng cách khá xa. Không ít người chủ quan khi bị chó, mèo cắn, cuối cùng đã mất mạng, ví dụ như bệnh nhân ở xã An Thạch (huyện Tuy An) bị chó con cắn, cho rằng không nguy hiểm nên không đi tiêm phòng; lại có người thiếu hiểu biết, sau khi bị chó, mèo cắn thì tìm thầy lang bốc thuốc uống, dẫn đến hậu quả là thiệt mạng.
Để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới loại trừ bệnh dại vào năm 2021 như mục tiêu đề ra, các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ. Trước hết, hoạt động tuyên truyền cần được tiếp tục đẩy mạnh để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của bệnh dại.
Trong công tác truyền thông, cơ quan chức năng cần đưa ra các dẫn chứng cụ thể, như vậy người dân mới thấy được sự nguy hiểm của bệnh dại. Đồng thời đổi mới phương thức truyền thông phù hợp với tình hình của địa phương, huy động các nhân viên y tế thôn, buôn, cộng tác viên các chương trình, cán bộ thú y… đi từng ngõ gõ từng nhà để tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh, tác dụng của tiêm phòng… với khuyến cáo “Khi bị chó, mèo cắn phải đi tiêm phòng ngay”, đồng thời có biện pháp quản lý đàn chó nuôi trong cộng đồng.
Cơ quan thú y đẩy mạnh tiêm phòng cho chó, mèo ít nhất đạt 70-80% đàn chó, mèo trong cộng đồng. Các đơn vị y tế chuẩn bị đầy đủ vắc xin và huyết thanh kháng dại đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng khi người dân cần lại thiếu vắc xin hay huyết thanh. Cán bộ y tế cần nắm vững quy trình xử lý vết thương khi người dân bị chó, mèo cắn; hướng dẫn, tư vấn cho người dân hiểu rõ những điều cần thực hiện sau khi tiêm phòng… Đã có người rất lúng túng không biết sau khi tiêm phòng dại cần kiêng những gì, ăn uống như thế nào, những loại thuốc nào cần tránh… Vì vậy, cán bộ y tế tư vấn cho người được tiêm phòng những điều cần thiết nhất như tiêm phòng dại phải tiêm đủ liều, trong thời gian tiêm phòng không được sử dụng bia rượu. Trong vòng 6 tháng sau khi tiêm không sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticoides… Nhất thiết phải cung cấp thông tin cho người dân biết tác dụng phòng bệnh dại sau khi tiêm kéo dài trong bao lâu.
Trong truyền thông phòng chống bệnh dại, chúng tôi cho rằng cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tiếp như nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt nhóm và nhất là vãng gia hộ gia đình. Bên cạnh các hoạt động trên, việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y theo Nghị định 90/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ phải được thực hiện nghiêm đối với các hành vi nuôi chó, mèo thả rông, không tiêm phòng…
Tóm lại, để tránh những cái chết không đáng có, khi bị chó, mèo cắn, phải đi tiêm phòng ngay!
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên