Nhận thức được tầm quan trọng của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh, những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao, góp phần tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số.
Cơ hội tiếp cận sàng lọc trước sinh và sơ sinh
Bác sĩ Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm mục đích phát hiện, can thiệp sớm các tật, bệnh tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Các phụ nữ khi mang thai nên đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện sàng lọc để thăm khám. Điều này có lợi cho cả bà mẹ và thai nhi để sinh ra một đứa con khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có trên 1 triệu em bé ra đời. Song điều không may là có khoảng 1,5-2% trẻ mắc phải các dị tật bẩm sinh. Do đó, sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp trẻ sinh ra bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số. |
Đối với mô hình sàng lọc trước sinh, bà mẹ mang thai dưới 14 tuần được siêu âm độ dày da gáy thai nhi, nếu da gáy dày bất thường thì chuyển bà mẹ lên tuyến trên - nơi có đủ trang thiết bị để kiểm tra người mẹ, xét nghiệm nhau thai, chọc ối để phát hiện ra những dị tật ở thai nhi.
Việc triển khai chương trình này đến các địa phương đã góp phần giảm đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc bệnh tật, tử vong ở trẻ sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số.
Theo Sở Y tế Phú Yên từ năm 2012, sở đã phối hợp với các đơn vị như: Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh), Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh - sơ sinh (Đại học Y dược Huế), Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn; kỹ thuật siêu âm độ mờ da gáy; kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh; kỹ thuật lấy máu đầu ngón tay cho bà mẹ mang thai từ tuần 11-13... cho các bác sĩ, nữ hộ sinh, cán bộ dân số tuyến tỉnh, huyện, xã.
Đến nay, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các đơn vị y tế, dân số địa phương triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh; bước đầu đã mang lại hiệu quả cao và được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, giảm tỉ lệ mắc bệnh down, suy giáp bẩm sinh và các dị tật khác.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: Chi cục triển khai nhiều kỹ thuật mới, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cộng đồng về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Năm 2012, chương trình triển khai ở 43 xã, đến nay đã rộng khắp 112 xã, phường, thị trấn. Số người tham gia sàng lọc trước sinh là 14.569 người, trong đó nguy cơ cao có 87 trường hợp, phát hiện mắc 21 trường hợp và hơn 8.200 trẻ tham gia sàng lọc sơ sinh, trong đó nguy cơ cao có 189 trường hợp, phát hiện mắc 14 trường hợp.
Một số dị tật được phát hiện qua sàng lọc trước sinh, sơ sinh như: bệnh down, dị tật ống thần kinh, suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD (gây tán huyết, dẫn đến thiếu máu, vàng da), tăng sinh tuyến thượng thận bẩm sinh (rối loạn nhiễm sắc thể giới tính)… Từ đó, các bác sĩ sẽ tìm biện pháp can thiệp kịp thời đối với những bệnh có thể chữa được và tư vấn tâm lý cho bà mẹ cũng như gia đình; giúp giảm đến mức thấp nhất số em bé ra đời bị dị tật bẩm sinh và điều trị kịp thời một số bệnh mà trẻ sơ sinh mắc phải, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Đẩy mạnh xã hội hóa
Hội nghị đánh giá kết quả công tác sàng lọc trước sinh, sơ sinh giai đoạn 2012-2017 ghi nhận thành quả đạt được chính là chuyển biến trong nhận thức của người dân về vấn đề này. Bởi kết quả cụ thể về tỉ lệ sàng lọc của Phú Yên còn rất thấp, chưa đạt chỉ tiêu giao và tăng cũng rất chậm.
Theo Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, nguyên nhân là do việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh lâu nay chỉ được thực hiện miễn phí cho các đối tượng chính sách (gồm: người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có công cách mạng, người dân tộc thiểu số sống tại các xã đặc biệt khó khăn, người dân ở các xã thuộc đề án Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển…) khiến việc mở rộng công tác này gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, nhu cầu ở bộ phận người dân không thuộc đối tượng miễn phí là rất lớn, họ muốn tự bỏ tiền ra để khám sàng lọc nhưng hệ thống y tế công cộng lại không đáp ứng do chưa có hướng dẫn cụ thể; các cơ sở y tế trong tỉnh chưa tham gia sàng lọc nhiều, thiếu trang thiết bị…
Còn theo các bác sĩ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh. Từ các kết quả nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam cho thấy, tình trạng tật, bệnh ở thai nhi và trẻ sơ sinh ở nước ta bắt nguồn từ các nguyên nhân như: Sai lệch di truyền (bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn gen, rối loạn chuyển hóa…); trong quá trình mang thai, bà mẹ tiếp xúc với môi trường độc hại; mẹ uống thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ; mẹ mắc các bệnh nhiễm trùng trong khi mang thai như giang mai, rubella, nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng sinh dục…
“Khi mang thai, người mẹ nào cũng mong muốn con mình chào đời khỏe mạnh. Không ít người vẫn cho rằng “bố mẹ khỏe, ắt con cũng khỏe”, do đó, nhiều người chủ quan bỏ qua việc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh để rồi phải nhận lại sự hối hận”, bác sĩ Nguyễn Thị Nở, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa), nói.
Để người dân nâng cao hiểu biết về lợi ích của hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân, theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, thời gian đến, đơn vị này sẽ tiếp tục chú trọng truyền thông, cung cấp chương trình miễn phí cho các đối tượng yếu thế, hướng đến vận động xã hội hóa để người dân tự nguyện tham gia dịch vụ.
Chi cục cũng sẽ tham mưu đưa chương trình sàng lọc trước sinh, sơ sinh vào kế hoạch hàng năm của từng đơn vị y tế, để cán bộ nhân viên y tế hiểu rõ hơn tầm quan trọng của chương trình. Đồng thời lồng ghép chương trình này vào các chương trình đang được triển khai tại cộng đồng như: tiêm chủng mở rộng, thiếu hụt i-ốt… Qua đó góp phần chuyển đổi dần nhận thức của cộng đồng, tự chi trả các dịch vụ chăm sóc.
KIM CHI