Với 170 bệnh nhân chạy thận định kỳ, chưa kể các trường hợp cấp cứu, Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) chạy thận đến 5 suất mỗi ngày.
Đáp ứng nhu cầu điều trị và làm thế nào để bệnh nhân cảm thấy thoải mái trong 4 giờ chạy thận là điều mà lãnh đạo bệnh viện và khoa trăn trở. Đơn nguyên vừa được cải tạo, mở rộng rất khang trang; bệnh nhân gắn bó với nơi này hết sức hài lòng.
25 tuổi, S (ở phường 6, TP Tuy Hòa) điều trị tại Đơn nguyên Thận nhân tạo hơn 3 năm. S nhận xét: “Từ điều dưỡng cho đến bác sĩ, ai cũng tốt với bệnh nhân. Tuy nhiên hồi trước phòng ốc chật chội, giờ thì rộng rãi, mát mẻ”. Bà Y (59 tuổi ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa) chạy thận nhân tạo 7 năm nay. Bà nói rất thoải mái và hài lòng khi đơn nguyên được chuyển về đây, khang trang rộng rãi. Còn ông T ở huyện Đông Hòa có người thân chạy thận nhân tạo hơn 10 năm, nhận xét: “So với trước, cơ sở vật chất như vầy là quá tốt rồi!”.
Có thể hiểu được sự hài lòng của bệnh nhân và người nhà, khi đi qua hành lang tràn ngập ánh sáng, có cây xanh, có bình nước lọc, bước vào phòng chạy thận thoáng mát, khang trang, đầy đủ tiện nghi.
BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, cho biết: Ngoài các thiết bị y tế cần thiết, bệnh viện lắp đặt thêm máy điều hòa nhiệt độ, đồng thời trang bị thêm tivi từ số tiền 60 triệu đồng do Công ty TNHH MTV Xổ số kiết thiết Phú Yên hỗ trợ để bệnh nhân thư giãn trong 4 giờ chạy thận. Bên cạnh phòng chạy thận có hai phòng chờ dành cho những bệnh nhân đến sớm. Bệnh viện đã rất cố gắng để tạo thuận lợi và mang lại sự thoải mái cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa Phú Yên triển khai chạy thận nhân tạo từ năm 1997, ban đầu chỉ có hai máy. Về sau, số bệnh nhân suy thận mạn ngày càng tăng, trong đó có những người trẻ. Theo BSCKII Lê Phải, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách Đơn nguyên Thận nhân tạo, hiện có 170 bệnh nhân chạy thận định kỳ tại đây, chưa kể các trường hợp cấp cứu, mỗi ngày chạy đến 5 suất, bắt đầu từ 3 giờ sáng và nhiều khi kết thúc lúc 1 giờ sáng hôm sau. Các bác sĩ làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc luân phiên thăm khám bệnh nhân; 12 điều dưỡng tại đơn nguyên này đều được đào tạo về thận nhân tạo.
Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể, được áp dụng khi thận không còn khả năng lọc máu. Quy trình chạy thận nhân tạo có rất nhiều khâu nhằm tránh những tai biến nguy hiểm có thể xảy ra. “Quy trình chạy thận nhân tạo rất chặt chẽ, phải đúng chuẩn mới hoạt động”, bác sĩ Lê Phải khẳng định.
Hiện tại, sau khi được trang bị thêm 12 máy chạy thận từ nguồn vốn ODA của Đức, Đơn nguyên Thận nhân tạo có 23 máy, 23 giường. Những người thầy thuốc ở đây tạm thời hài lòng với cơ sở vật chất, trang thiết bị của đơn nguyên.
QUỲNH NHƯ