Thứ Ba, 08/10/2024 13:49 CH
Lựa chọn, sử dụng kháng sinh hợp lý: Tưởng dễ mà không dễ
Thứ Hai, 23/07/2018 11:00 SA

Thầy thuốc khám cho một bệnh nhân (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN

“Sự ra đời của kháng sinh đánh dấu một kỷ nguyên mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, đã cứu sống hàng triệu triệu người khỏi các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên do việc sử dụng rộng rãi, kéo dài và lạm dụng nên tình trạng kháng kháng sinh của các vi sinh vật ngày càng gia tăng. Mức độ kháng thuốc ngày càng trầm trọng làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị…”. Bác sĩ Nguyễn Như Ý, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý trong thực hành lâm sàng” do bệnh viện này tổ chức mới đây.

 

Hội thảo là dịp để các bác sĩ, dược sĩ Phú Yên củng cố kiến thức về việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả, góp phần hạn chế tình trạng kháng kháng sinh đang có nguy cơ gia tăng.

 

Từ thành tựu của y học…

 

Theo các tài liệu y khoa, những hỗn hợp với các đặc tính kháng khuẩn đã được sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn cách đây hơn 2.000 năm. Tuy nhiên cho đến trước đầu thế kỷ XX, việc điều trị nhiễm trùng chủ yếu vẫn dựa trên các phương pháp y học dân gian. Năm 1895, Vincenzo Tiberio, nhà vật lý học ở đại học Naples, đã phát hiện rằng nấm mốc (penicillium) trong nước có hoạt động kháng khuẩn tốt. Năm 1928, khi nuôi cấy Staphylococus aureus, nhà sinh học và dược học người Anh Alexander Flemming chiết xuất được chất kháng sinh đầu tiên là penicillin từ nấm penicillium notatum chrysogenum và được xem như người mở đầu “thời đại kháng sinh”. Đến năm 1935, Gerhard Domagk, một nhà bệnh lý học và vi sinh học người Đức, đã tìm ra chất hóa học có tính kháng sinh gọi là sulfamide để điều trị streptococcus, pneumococcus, meningococcus và trực khuẩn gram âm. Trong gần 10 năm sau đó, với hàng loạt nghiên cứu của Howard Walter Florey và Ernst Boris Chain, hai nhà khoa học từ Đại học Oxford, đến năm 1941, penicillin tinh khiết được sản xuất và đưa vào sử dụng.

 

GS Alexander Fleming được coi là người mở ra kỷ nguyên sử dụng kháng sinh trong y học. Với thành tựu này, ông được trao Giải thưởng Nobel về y học năm 1945 cùng hai nhà khoa học Ernst Boris Chain và Howard Walter Florey. Penicilin được coi là loại kháng sinh đầu tiên trong việc điều trị những bệnh nhiễm khuẩn.

 

Với sự ra đời của kháng sinh, những người thầy thuốc trên thế giới đã cứu sống hàng triệu triệu người khỏi các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Theo PGS-TS Trần Đình Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đại học Y Dược Huế, Chủ nhiệm bộ môn Vi sinh, Giám đốc Trung tâm Gamma - Trường đại học Y Dược Huế, đến năm 1972, 4.000-5.000 kháng sinh mới đã ra đời, trong đó chỉ có chừng 50 loại được ứng dụng vào lâm sàng dưới dạng đơn độc hoặc phối hợp. Và cho đến nay, tuy đã có nhiều nhóm kháng sinh được đưa vào sử dụng, có hàng ngàn kháng sinh mới được sản xuất nhưng các nhà nghiên cứu trên thế giới vẫn còn chạy đua trong việc tìm tòi và tổng hợp các kháng sinh mới.

 

Đến con dao hai lưỡi nếu không lựa chọn, sử dụng hợp lý

 

Phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý trong thực hành lâm sàng” có sự tham gia của hơn 100 bác sĩ, dược sĩ đến từ các bệnh viện tuyến tỉnh và các trung tâm Y tế trong tỉnh, bác sĩ Nguyễn Như Ý đề cập đến việc lạm dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh của các vi sinh vật ngày càng gia tăng; mức độ kháng thuốc ngày càng trầm trọng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao, thời gian điều trị kéo dài, chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và cộng đồng. Tình trạng này đã được nhà khoa học Alexander Fleming tiên đoán từ hơn 80 năm trước. Trả lời phỏng vấn sau khi nhận giải Nobel vào năm 1945, GS Alexander Fleming nói: “Những kẻlạm dụng thuốc penicillin không suy nghĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho cái chết của người đau đớn vì nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn kháng penicillin”. Do việc sử dụng tùy tiện của con người, kháng sinh trở thành con dao hai lưỡi.

 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa”, tháng 6/2013, Bộ Y tế ra quyết định phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020”. Năm 2015, Bộ Y tế ban hành “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh”, nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh…

 

“Sử dụng kháng sinh hợp lý, nói thì dễ nhưng làm không dễ chút nào”, PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc - Trường đại học Dược Hà Nội, nhận định tại hội thảo. Ông đưa ra con số: Ở Việt Nam, cứ 3 bệnh nhân vào viện thì ít nhất một bệnh nhân được kê đơn thuốc có kháng sinh, cho dù họ có nhiễm khuẩn hay không. PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh lưu ý các thầy thuốc về 5 câu hỏi quan trọng: Bệnh nhân này có cần dùng kháng sinh không? Nếu cần dùng kháng sinh thì chọn loại nào? (Bởi vì trong danh mục thuốc có nhiều nhóm kháng sinh khác nhau, trong mỗi nhóm có nhiều hoạt chất, biệt dược khác nhau… Và không phải kháng sinh thuộc thế hệ mới nhất, đắt tiền nhất là phù hợp với bệnh nhân). Có cần phối hợp kháng sinh hay không; trường hợp nào cần phối hợp kháng sinh, và phối hợp kháng sinh nào để tăng tác dụng hiệp đồng tiêu diệt vi khuẩn? Liều sử dụng kháng sinh và độ dài của đợt điều trị như thế nào? Có đánh giá lại phác đồ sử dụng kháng sinh không? “Sớm nhất là 3 ngày nhưng không chậm hơn 5 ngày, chúng ta phải đánh giá lại phác đồ điều trị”, ông lưu ý.

 

Rất nhiều kiến thức, thông tin về việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả đã được PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ tại hội thảo hôm 19/7. Ông cũng khuyến cáo về 5 loại kháng sinh mà các thầy thuốc tuyệt đối không sử dụng đơn độc, nếu sử dụng đơn độc thì rất dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

 

“Đây là chuyên đề rất quan trọng, vì tình trạng lạm dụng kháng sinh đang dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh. Lựa chọn, sử dụng loại kháng sinh phù hợp, đạt hiệu quả điều trị cao nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí là điều mà các bác sĩ quan tâm”, bác sĩ Hoàng Kim Châu, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa, cho biết. Phát minh ra kháng sinh là một trong những thành tựu quan trọng nhất của y học trong thế kỷ XX, đem lại lợi ích vô cùng to lớn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh không chỉ gây lãng phí mà còn gây ra tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng tăng. Hội thảo chuyên đề “Lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý trong thực hành lâm sàng” góp phần củng cố kiến thức về việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn, hiệu quả, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh đang có nguy cơ gia tăng hiện nay.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek