Thứ Ba, 08/10/2024 23:52 CH
An toàn truyền máu:
Mối quan tâm không chỉ của thầy thuốc  
Thứ Hai, 25/06/2018 00:00 SA

Các thầy thuốc trao đổi về chuyên môn tại hội thảo và tập huấn “An toàn truyền máu và Truyền máu lâm sàng” - Ảnh: YÊN LAN

Truyền máu có tầm quan trọng rất lớn trong y học, song chỉ đạt hiệu quả khi an toàn. Hội thảo và tập huấn “An toàn truyền máu và Truyền máu lâm sàng” do Bệnh viện Đa khoa Phú Yên phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Trung ương Huế) phối hợp tổ chức mới đây đã cập nhật nhiều thông tin bổ ích, giúp các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng nâng cao kiến thức về an toàn truyền máu cũng như kỹ năng thực hành truyền máu lâm sàng.

 

Nâng cao nhn thức, kỹ năng

 

Các nhà khoa học phát hiện con người có đến 30 hệ nhóm máu khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hệ nhóm máu ABO và hệ Rh. Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay không có mặt của kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Truyền máu là cung cấp cho cơ thể một lượng máu nhằm bồi phụ lại khối lượng tuần hoàn khi còn thiếu; bồi phụ lại một số chất quan trọng trong máu nhằm duy trì sự sống của tế bào, giúp cơ thể hoạt động bình thường.

 

Trong y học, truyền máu rất quan trọng, là một trong những tiến bộ lớn đã góp phần thúc đẩy ngành ngoại khoa phát triển. Tuy nhiên truyền máu chỉ đạt hiệu quả khi an toàn. Đây là một quy trình khép kín gồm nhiều giai đoạn, từ việc tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng.

 

Diễn ra trong gần 2 ngày, hội thảo và tập huấn “An toàn truyền máu và Truyền máu lâm sàng” có sự tham gia của các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Nhiều nội dung quan trọng đã được truyền đạt, thảo luận, như phản ứng kháng nguyên - kháng thể và ứng dụng trong truyền máu lâm sàng; nhóm máu ABO và những vấn đề khó khăn trong định nhóm máu ABO; vận động và tổ chức hiến máu tình nguyện; những vấn đề liên quan đến người có nhóm máu Rh D (-); chỉ định truyền máu và các chế phẩm máu; các phản ứng truyền máu thường gặp và cách xử trí…

 

ThS-BS Nguyễn Đình Huy, Trưởng Khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chia sẻ, hội thảo và tập huấn “An toàn truyền máu và Truyền máu lâm sàng” rất bổ ích, giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của an toàn truyền máu. Theo quy định của Bộ Y tế, Khoa Huyết học - Truyền máu xét nghiệm sàng lọc các tác nhân lây truyền bệnh: HIV/AIDS, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, sốt rét và giang mai bằng kỹ thuật ELISA. Sắp tới, khoa sẽ sàng lọc máu bằng thiết bị hóa phát quang.

 

Và Khoa Huyết học - Truyền máu đang xin chủ trương để gửi mẫu ra Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) làm xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT (kỹ thuật khuếch đại acid nucleic), được xem là kỹ thuật tiên tiến hàng đầu trong sàng lọc máu hiện nay. NAT hỗ trợ phát hiện những dấu vết nhỏ nhất của HIV, viêm gan siêu vi C và viêm gan siêu vi B, bởi giúp phát hiện trực tiếp các DNA hoặc RNA của vi rút.

 

Hiện nay, tại Phú Yên chưa đủ lượng mẫu để triển khai kỹ thuật này; nếu lượng mẫu dưới 20.000 thì giá thành sẽ rất cao. Mỗi năm Khoa Huyết học - Truyền máu truyền khoảng 10.000 đơn vị máu thì chi phí rất lớn. “Cho nên chúng tôi đang xin chủ trương, có sự đồng ý và được bảo hiểm thanh toán thì chúng tôi mới triển khai được”, bác sĩ Huy cho biết.

 

Cũng theo bác sĩ Huy, không chỉ các thầy thuốc mà những người cho máu cũng cần nâng cao nhận thức về an toàn truyền máu, tự sàng lọc, không cho máu nếu có những bất ổn, nếu như trước đó mình có hành vi có thể dẫn đến việc truyền máu không an toàn mà trong giai đoạn “cửa sổ”, các kỹ thuật xét nghiệm chưa nhận diện được tác nhân gây bệnh.

 

Nhân viên y tế thu thập máu từ người tình nguyện hiến máu (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: YÊN LAN

 

Máu và các chế phẩm máu là một loại “thuốc” đặc biệt. Việc chỉ định đúng, sử dụng hợp lý máu và các chế phẩm máu là vô cùng quan trọng, nếu sai sót có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Theo ThS-BS Nguyễn Tôn Hoàng, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, nội dung hội thảo và tập huấn rất có giá trị đối với các bác sĩ lâm sàng, trong đó có việc thực hành theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, hạn chế truyền máu toàn phần, siết lại các quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong truyền máu.

 

Nếu có nhóm máu hiếm... 

 

An toàn truyền máu và truyền máu lâm sàng là những vấn đề quan trọng trong chuyên ngành Huyết học - Truyền máu. Vấn đề này liên quan đến tất cả các bệnh viện, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Do đó, cán bộ, nhân viên y tế phải được cập nhật thêm kiến thức. Hội thảo và tập huấn là dịp để nâng cao kiến thức và thực hành truyền máu trên lâm sàng tốt hơn. 

 

BSCKII Phạm Hiếu Vinh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Yên

Theo các nhà huyết học, Rh là hệ nhóm máu quan trọng sau hệ nhóm máu ABO. Đến 99,96% người Việt có nhóm máu thuộc Rh D (+), chỉ từ 0,04-0,07% số người có nhóm máu Rh D (-). Nghĩa là trong 10.000 người mới có từ 4-7 người mang nhóm máu Rh D (-). Đây là nhóm máu hiếm. (Theo quy định của Hiệp hội Truyền máu Quốc tế, nhóm máu có tỉ lệ < 0,1% trong cộng đồng được gọi là nhóm máu hiếm).

 

Người có nhóm máu Rh D (-) có thể truyền máu cho người có nhóm máu Rh D (+), tuy nhiên chỉ được nhận máu từ người có cùng nhóm máu và có Rh D (-) mới không xảy ra tai biến. Người có nhóm máu Rh D (-) nhận máu của người cho mang nhóm máu Rh D (+) không xảy ra tai biến trong lần đầu tiên, nhưng có thể bị tai biến ở những lần truyền sau. Những người có nhóm máu Rh D (-) mang thai, thai nhi có nhóm máu Rh D (+) thì người mẹ có thể bị tai biến ngay trong lần đầu tiên nhận máu Rh D (+).

 

Bởi trong quá trình mang thai và sinh nở có thể có những tình huống máu của mẹ và máu của con tiếp xúc, hòa lẫn với nhau, làm cho máu của người mẹ sản sinh ra kháng thể anti-D để chống lại các tế bào hồng cầu mang Rh D (+) của em bé xâm nhập vào cơ thể mình. Và nếu người mẹ mang thai em bé tiếp theo có Rh D (+), các kháng thể anti-D có sẵn này sẽ đi qua nhau thai, tấn công các tế bào hồng cầu của em bé gây ra bệnh tán huyết. Em bé sinh ra sẽ bị thiếu máu và vàng da… Đây là những nội dung quan trọng mà các bác sĩ đến từ Trung tâm Huyết học - Truyền máu lưu ý tại hội thảo và tập huấn.

 

Theo TS-BS Đồng Sĩ Sằng, Phó Giám đốc Trung tâm Huyết học - Truyền máu, người dân nên đến cơ sở y tế xét nghiệm để biết chính xác nhóm máu của mình. Những người có nhóm máu hiếm Rh D (-) hãy cung cấp thông tin về nhóm máu với cơ sở khám chữa bệnh, tham gia CLB máu hiếm để chia sẻ thông tin và hỗ trợ nhau khi cần truyền máu. Đặc biệt, đối với các bà mẹ có nhóm máu Rh D (-), việc thăm khám tiền sản đều đặn và đúng cách là vô cùng quan trọng, qua đó thầy thuốc sẽ phát hiện sớm các vấn đề có thể nảy sinh.

 

 

Những điều cần lưu ý đối với người có nhóm máu hiếm Rh D (-)

 

Khi họ cần truyền máu (do tai nạn gây mất máu hay phẫu thuật cấp cứu...) thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó nếu bệnh viện hoặc ngân hàng máu không dự trữ đủ tất cả các nhóm máu.

 

Trường hợp người mẹ mang thai có nhóm máu Rh D (-), người cha có nhóm Rh D (+) thì theo quy luật di truyền, có ít nhất 50% trẻ sinh ra có nhóm máu giống cha Rh D (+).

 

Khi mẹ có thai lần thứ nhất, đứa trẻ mang nhóm máu Rh D (+) vẫn phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu trong quá trình mang thai bánh nhau không bị tổn thương.

 

Khi mẹ có thai lần thứ hai trở đi, nếu con vẫn có nhóm máu Rh D (+) thì thường xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con, vì cơ thể mẹ sinh ra kháng thể (do lần mang thai trước) đi qua bánh nhau chống lại kháng nguyên Rh D (+) có trên bề mặt hồng cầu của con gây ngưng kết hồng cầu hay gọi là tan máu. Hậu quả có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sanh non hoặc trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.

 

Người mẹ mang nhóm máu Rh D (-) đã mang thai có nhóm máu Rh D (+) thì vẫn có thể xảy ra tai biến truyền máu ngay ở lần nhận máu có Rh D (+) đầu tiên.

 

Tiêm Anti-D

 

Các bà mẹ có Rh D (-) sẽ được tiêm kháng thể anti-D trong vòng 72 giờ sau khi sinh em bé. Nó sẽ giúp ngăn cản cơ thể người mẹ sản xuất kháng thể kháng Rh D (+) có khả năng gây ra các vấn đề cho những lần mang thai tiếp theo. Mặc dù vậy, với các bà mẹ có Rh D (-) thì việc xét nghiệm máu để xác định mức độ kháng thể anti-D sẽ được thực hiện định kỳ trong suốt các thai kỳ tiếp theo.

 

Phụ nữ có Rh-âm nên được tiêm Anti-D khi bị sẩy thai; chấm dứt thai kỳ; có chấn thương hoặc chảy máu; trong quá trình chọc ối; có chấn thương bụng; sau khi có thai ngoài tử cung.

 

(Bệnh viện Truyền máu - Huyết học)

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek