Tác hại của thuốc lá được xem là vấn đề sức khỏe toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia trên thế giới phải vào cuộc để hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.
Trong khói thuốc lá có gần 7.000 hóa chất độc hại, có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho các bệnh ung thư phổi, gan, dạ dày, thanh quản, tim mạch. Hàng năm, tại Việt Nam có đến hơn 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến khói thuốc lá; kinh phí chi cho công tác y tế để chăm sóc các bệnh liên quan đến khói thuốc lá ở Việt Nam xấp xỉ 30.000 tỉ đồng… |
Tại Việt Nam, điều tra về tình hình hút thuốc lá ở người trưởng thành do Bộ Y tế phối hợp với Tổng cục Thống kê, WHO, Tổ chức Kiểm soát bệnh tật của Hoa Kỳ thực hiện cho thấy: Tỉ lệ hút thuốc lá trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%; tỉ lệ hút thuốc thụ động tại nơi làm việc giảm 13,3%; hút thuốc thụ động trong nhà giảm 13,2%; hút thuốc thụ động trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%; hút thuốc thụ động trong trường đại học giảm 16,4%.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia nhận được giải thưởng về hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá tại hội nghị toàn thế giới về phòng, chống tác hại của thuốc lá lần thứ 17 với chủ đề “Thuốc lá hay sức khỏe”, được tổ chức tại TP Cape Town (Nam Phi) vào ngày 7/3/2018. Từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, hơn 2.000 đại biểu đã tham dự hội nghị, trong đó có ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO; ông Micheal Bloomberg, Đại sứ toàn cầu của WHO về các bệnh không lây nhiễm; nhà sáng lập Quỹ Bloomberg Philanthropy; Bộ trưởng Y tế của một số nước gồm Nam Phi, Việt Nam, Uganda, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Senegal...
Dịp này, Bộ Y tế Việt Nam được trao giải thưởng toàn cầu của Quỹ Bloomberg vì những nỗ lực và thành tích trong theo dõi, giám sát sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá. Kèm theo giải thưởng là 100.000 đô la cho Bộ Y tế để phục vụ hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 đề ra mục tiêu: Giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra; giảm tỉ lệ hút thuốc lá trong một số nhóm đối tượng sau: thanh thiếu niên (từ 15-24 tuổi): từ 26% năm 2011 xuống 18% năm 2020; nam giới: từ 47,4% năm 2011 giảm xuống 39% năm 2020; nữ giới: giảm xuống dưới 1,4% năm 2020. Tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người dân về thực hiện môi trường không khói thuốc. Để đạt được các mục tiêu trên đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng.
Phú Yên chưa điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá. Nếu lấy kết quả chung của toàn quốc để tham chiếu thì việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành xuống còn 39% vào năm 2020 quả là không đơn giản.
Trong vài năm gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá được triển khai khá mạnh, có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh. Công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá được thực hiện khá nhiều; nhận thức của người dân tăng lên đáng kể. Qua thực tế kiểm tra giám sát từ năm 2015-2017 cho thấy, tỉ lệ hút thuốc trong cộng đồng dân cư cũng như tại các cơ quan, đơn vị trong tỉnh giảm rõ rệt. Phong trào xây dựng môi trường không khói thuốc được triển khai khá tích cực và mở rộng. Hiện nay, nhiều cán bộ, công chức viên chức không hút thuốc trong khuôn viên của cơ quan, đơn vị mình…
Tuy nhiên, so với yêu cầu và mục tiêu của Chiến lược quốc gia, cũng như Kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá tỉnh Phú Yên năm 2017-2018 được UBND tỉnh ban hành thì chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa để đạt được kết quả như mong muốn.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện giá thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ, còn chế tài thì chưa nghiêm. Cách đây vài tháng, tôi gặp một du khách người Mỹ gốc Mexico đến Việt Nam du lịch và dạy tiếng Anh. Đang nói chuyện, anh ấy lấy thuốc lá ra hút. Tôi nói không nên hút thuốc vì thuốc lá có hại cho sức khỏe. Anh ấy đồng ý ngay và không hút. Anh cho biết thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ, lại dễ mua, khi hút ít người nhắc nhở và vi phạm thì không ai xử phạt, khác với các nước khác. Là kỹ sư đã nghỉ hưu, anh ấy đã đi nhiều nước và nói rằng chưa có nước nào mà thuốc lá lại rẻ như ở Việt Nam. Gói thuốc mà anh ta định hút, giá chỉ có 10.000 đồng Việt Nam, trong khi ở Mỹ là 8 đô la (tương đương 180.000 đồng Việt Nam).
Để phòng chống tác hại của thuốc lá, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư phải hành động mạnh mẽ hơn nữa. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông với hình thức phong phú, thông điệp cụ thể, nội dung đa dạng thì các hoạt động khác phải được tiến hành đồng bộ, liên tục và lâu dài, như: xử phạt thích đáng các trường hợp vi phạm luật; đưa tiêu chí thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào bình xét thi đua của cán bộ công chức, viên chức hàng năm một cách nghiêm túc, tránh xuê xoa, cả nể. Đặc biệt, cần đánh thuế thuốc lá thật cao, từ đó nâng giá bán thuốc lá để hạn chế người hút. Đây là những vấn đề cốt lõi, nhằm hạn chế tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên