Thứ Hai, 25/11/2024 11:34 SA
Niềm vui hồi sinh những trái tim
Thứ Hai, 09/04/2018 08:02 SA

Một ca can thiệp mạch vành tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Kíp can thiệp đến từ Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh cùng các đồng nghiệp trẻ ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên vừa có 2 ngày cuối tuần vô cùng vất vả nhưng đầy ý nghĩa, khi can thiệp cấp cứu 2 bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. Bên cạnh đó, các bác sĩ còn thực hiện những ca can thiệp phức tạp về kỹ thuật, đáng chú ý là lần đầu tiên can thiệp thân chung tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

Lần đầu tiên can thiệp thân chung

 

Sáng 7/4, chiếc máy bay khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đáp xuống sân bay Tuy Hòa muộn hơn 2 giờ so với lịch trình. Lý do chính dẫn đến sự chậm trễ này là trước lúc máy bay cất cánh, một hành khách lên cơn co giật. Có mặt trên chuyến bay, các thầy thuốc Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh khẩn trương xử trí cho bệnh nhân trước khi người này được chuyển đến cơ sở y tế. Hơn 10 giờ sáng, kíp can thiệp có mặt tại TP Tuy Hòa và đi thẳng đến Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. 11 bệnh nhân bị bệnh mạch vành, trong đó có những ca nhồi máu cơ tim cấp, đang chờ họ điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành tiên tiến.

 

Làm việc luôn trưa cho đến hơn 20 giờ cùng ngày, kíp can thiệp hai bệnh viện đã chụp mạch vành và đặt stent cho 8 bệnh nhân. Đáng chú ý là ca điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân P.V.T (65 tuổi, ở phường 4, TP Tuy Hòa) bị hẹp thân chung động mạch vành trái. Các bác sĩ can thiệp đã nong và đặt 2 stent tại thân chung động mạch vành trái. Đây là ca can thiệp rất phức tạp về kỹ thuật, lần đầu tiên được thực hiện tại Đơn nguyên Tim mạch can thiệp - Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

Theo PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Tim mạch can thiệp - Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh, Trưởng kíp can thiệp, trước đây, các tổn thương thân chung động mạch vành được điều trị bằng phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành, chống chỉ định cho tim mạch can thiệp. Dần dần, với sự tiến bộ của công nghệ và kinh nghiệm của các bác sĩ can thiệp, việc can thiệp đặt stent thân chung động mạch vành bắt đầu trở nên phổ biến. Trong nhiều trường hợp, kết quả can thiệp tương đương với phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành.

 

Như vậy, bệnh nhân không phải trải qua ca phẫu thuật lớn: gây mê, mở lồng ngực, chạy tim phổi nhân tạo… mà chỉ cần gây tê và can thiệp đặt stent để tái thông thân chung. Có sự khác biệt lớn về mức độ sang chấn đối với bệnh nhân.

 

“Đó là một trong những tiến bộ về mặt kỹ thuật của tim mạch can thiệp. Tuy nhiên, can thiệp thân chung động mạch vành không phải là kỹ thuật thường quy của tim mạch can thiệp, vì có nguy cơ rất cao. Các ca can thiệp thân chung phải được thực hiện bởi những bác sĩ can thiệp có kinh nghiệm, tại các trung tâm tim mạch có đầy đủ dụng cụ, phương tiện hỗ trợ, như bóng đối xung động mạch chủ, ê kíp hồi sức cấp cứu sẵn sàng”, PGS Hồ Thượng Dũng cho biết. Trường hợp bệnh nhân P.V.T, gia đình tha thiết muốn được can thiệp ngay tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên. Sau khi can thiệp, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

 

Đến khoảng 18 giờ, Đơn nguyên Tim mạch can thiệp tiếp nhận bệnh nhân V.T.T (68 tuổi) bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới. Bác sĩ can thiệp trẻ Lê Duy cho biết, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải đoạn gần; động mạch vành trái hẹp nặng. Bà T có hoàn cảnh khó khăn, lại không tham gia bảo hiểm y tế; gia đình gom góp, vay mượn được khoảng 30 triệu đồng, trong khi chi phí can thiệp đặt stent trong trường hợp này khoảng 70-80 triệu đồng. Trước tình huống tính mệnh người bệnh như “nghìn cân treo trên sợi tóc” nếu dòng máu nuôi cơ tim không được tái thông kịp thời, Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh đã tặng stent cho bệnh nhân T. Sau ca can thiệp cấp cứu tái thông động mạch vành phải (động mạch vành trái chưa được mở), sức khỏe của bà T tạm ổn.

 

Thân chung động mạch vành trái của bệnh nhân P.V.T trước và sau khi can thiệp (khu vực khoanh tròn) - Ảnh: LÊ DUY

 

Cứu sống người bệnh trong tình huống bị đe dọa

 

Trong số các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp được nong và đặt stent mạch vành đợt này có một trường hợp “đặc biệt”. Đó là ông B.V.G (64 tuổi, ở huyện Phú Hòa), nhập viện khoảng 21 giờ 30 ngày 6/4. Bác sĩ Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, phụ trách Đơn nguyên Tim mạch can thiệp cho biết: “Bệnh nhân bị rối loạn nhịp, rung thất, sau đó ngưng tim ngưng thở, nếu nhập viện chậm vài phút nữa thôi thì chắc chắn tử vong”. Trước tình huống vô cùng nguy cấp đó, các thầy thuốc đã sốc điện khử rung thất. Sau 3 lần sốc điện, tim của bệnh nhân đập trở lại. Ông G được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sáng 7/4, bệnh nhân được đưa vào buồng can thiệp, chụp mạch vành. Kết quả chụp DSA cho thấy ông G bị hẹp động mạch liên thất trước. Ông đã được nong và đặt stent mạch vành.

 

Điều đáng nói là khi sự sống của ông G chỉ còn tính bằng phút, bằng giây trong đêm 6/4 thì người nhà bệnh nhân yêu cầu chuyển viện và rất kích động. “Họ khăng khăng đòi chuyển viện; lúc đó bệnh nhân không có huyết áp, tay chân lạnh ngắt, nếu chuyển viện chắc chắn sẽ chết. Không chuyển viện thì họ đe dọa hành hung. Tình thế rất khó khăn. Vì bệnh nhân, khoa kiên nhẫn giải thích và mời lãnh đạo bệnh viện xuống giải thích cho người nhà của họ hiểu”, bác sĩ Lê Chí Tĩnh (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) kể lại.

 

Công việc cứu người vốn đã dồn dập áp lực, căng thẳng, các thầy thuốc còn phải lo ứng phó với áp lực từ người nhà bệnh nhân, kiểu như: Nếu không chuyển viện thì phải cam kết cứu sống, bằng không sẽ thế này, thế kia… Người thầy thuốc nào có thể cam kết cứu sống một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp dẫn đến rung thất, đã ngưng tim ngưng thở? Họ chỉ có thể làm hết khả năng của mình để không phải ray rứt, ân hận.

 

* * *

 

Từ trưa 7/4 đến đầu giờ chiều ngày 8/4, kíp can thiệp hai bệnh viện đã chụp và nong, đặt stent mạch vành cho 11 bệnh nhân, trong đó có 2 ca can thiệp cấp cứu, một số ca phức tạp về kỹ thuật. Niềm vui hồi sinh những trái tim đã xua đi bao mệt nhọc của công việc thông tim đầy thử thách này.

 

Động mạch vành tưới máu nuôi cơ tim, như dòng sông tưới nước cho cánh đồng. Khi một nhánh nhỏ bị hẹp, tắc thì ảnh hưởng đến một khu vực nhỏ. Càng đi về phía nguồn, nếu những nhánh lớn bị hẹp, tắc thì sự ảnh hưởng càng lớn. Thân chung động mạch trái là nơi xuất phát 2 nhánh động mạch vành nuôi toàn bộ cơ tim trái.

 

Theo chuyên gia can thiệp, khi tim mất 40% máu tưới, bệnh nhân bị tụt huyết áp, choáng tim… Thân chung động mạch vành trái cung cấp từ 70-80% máu tưới. Can thiệp thân chung, nếu có vấn đề gì xảy ra thì toàn bộ cơ tim trái không có máu tưới và bệnh nhân sẽ bị tụt huyết áp, choáng tim, ngưng tim ngưng thở, thậm chí tử vong.

 

YÊN LAN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek