Thứ Sáu, 04/10/2024 18:29 CH
Phòng chống ung thư cổ tử cung
Thứ Năm, 27/12/2007 14:10 CH

Ung thư cổ tử cung(CTC) là loại ung thư khá phổ biến, đứng thứ 2 trong các bệnh lý ung thư ở phụ nữ và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ của các nước đang phát triển. Ước tính mỗi năm có khoảng 500.000 người mắc mới  và 250.000 ca tử vong do bị ung thư CTC, 80% trong số đó là ở các quốc gia nghèo đói. Ung thư CTC chiếm tỉ lệ 15% trong các bệnh lý ung thư ở phụ nữ, với nguy cơ trước tuổi 65 ở các nước đang phát triển là 1,5%, nhưng chỉ có 3,6% là ung thư mới, và nguy cơ chung cho tuổi từ 0-65 là 0,8% ở các nước phát triển.

 

Human papilloma virus (HPV) là loại virus lây bệnh qua đường tình dục, 99% ung thư CTC là do virus này. Ung thư CTC nếu được phát hiện sớm trong các chương trình tầm soát ung thư hay khám sàng lọc tại cộng đồng sẽ được điều trị sớm và cho kết quả tốt. Tầm soát CTC đều đặn và điều trị sớm các thương tổn tiền ung thư cho kết quả tốt giảm được ung thư tại các quốc gia phát triển, nhưng chương trình này lại không thuận lợi ở các quốc gia kém phát triển.

 

Dịch tễ học và lịch sử phát triển của bệnh ung thư CTC đã được biết đến khá lâu. HPV là loại virus chỉ có DNA và virus này gây bệnh ở da hoặc niêm mạc. Có hơn 100 týp virus HPV có thể gây bệnh cho vùng sinh dục của phụ nữ và nam giới. Virus có thể gây bệnh cho da và niêm mạc ở dương vật, âm hộ, hậu môn, đường ranh giới của âm đạo, cổ tử cung và trực tràng.

 

HPV sinh dục gây bệnh qua đường tình dục, virus xâm nhập vào đường sinh dục qua sinh hoạt tình dục, và là nguyên nhân phổ biến nhất mắc bệnh qua đường tình dục ở phụ nữ. Virus này gây nên dịch ở trong cộng đồng, một vài nơi có tới 60% phụ nữ bị nhiễm ít nhất 1 týp virus HPV trong thời kỳ còn sinh hoạt tình dục. Tần suất nhiễm HPV có thể lên tới 44% trong số phụ nữ mà không có triệu chứng lâm sàng. Ước tính trên thế giới có tới 292 triệu phụ nữ bị nhiễm HPV DNA; và khoảng 105 triệu phụ nữ bị nhiễm HPV týp 16 hoặc HPV týp 18. Tần suất nhiễm HPV ở nam  là 7,9% thấp hơn nữ 17,9%, có lẽ mô dương vật ít nhạy cảm với các týp HPV.

 

Khi bị nhiễm HPV hầu hết các trường hợp không phát hiện được trong nhiều năm. Tỉ lệ nhiễm HPV ở phụ nữ trẻ cao ở lần sinh hoạt tình dục đầu tiên, và nguy cơ càng gia tăng qua mỗi lần quan hệ tình dục với bạn tình mới.

 

Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có triệu chứng và trên 90% các trường hợp nhiễm HPV sau 2 năm mới có triệu chứng hoặc có biến chứng.

 

Trên 40 týp HPV có thể gây bệnh cho lớp thượng bì vùng sinh dục. Hai týp gây bệnh cho bộ phận sinh dục phổ biến nhất là týp HPV 16 và HPV 18, và đây cũng là nguy cơ cao nhất gây ung thư CTC, âm hộ, âm đạo và hậu môn ở phụ nữ. Nhiễm HPV có thể gây thương tổn cho lớp thương bì, trung bì và hạ bì. Các thương tổn thượng bì  tiến triển có thể xâm lấn và gây ung thư cổ tử cung nếu không được điều trị. Một số týp khác như HPV 31,33 và 45 cũng có thể gây nên ung thư . Hai týp HPV khác là HPV6 và HPV11 cũng có thể gây loạn sản tế bào và u nhú nhưng nguy cơ thấp hơn.

Quan hệ tình dục không được bảo vệ là nguy cơ hàng đầu bị nhiễm HPV sinh dục do lây nhiễm từ da đến da của các u nhú giữa bạn tình với nhau. Tuy nhiên nó cũng có thể lây nhiễm qua sinh hoạt tình dục theo kiểu miệng-sinh dục nhưng nguy cơ ít hơn. Ngoài ra, nó cũng có thể lây nhiễm cho con khi sinh nhưng nguy cơ nhỏ và chưa có nghiên cứu đầy đủ để khẳng định.

 

Để phòng lây nhiễm HPV, ở nhiều quốc gia đã có chiến lược dự phòng. Chiến lược này bao gồm các biện pháp sau đây:

 

Nâng cao sức khỏe: Để giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư CTC, người ta phải cung cấp thông tin ( truyền thông) về tình dục an toàn như hạn chế quan hệ tình dục khi còn ít tuổi, hạn chế số bạn tình, dùng bao cao su đúng cách mỗi lần quan hệ tình dục, tránh hút thuốc lá. Tăng cường luyện tập thể dục thể thao, khám tầm soát CTC định kỳ, phát hiện và điều trị sớm các thương tổn vùng CTC…

Vacxin HPV: Vacxin HPV (Gardasil) đã được sử dụng ở gần 80 quốc gia, vacxin HPV được sản xuất từ loại virus giống với virus HPV nhưng đã giảm hoạt lực.

 

Vacxin được tiêm vào các lần 0, 1 hoặc 2, và 6 tháng. Mỗi lần tiêm 0,5ml trong cơ. Các biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm vacxin là đau, sưng, sốt nhẹ, nổi ban và có thể nhiễm trùng chỗ tiêm.

 

Như  vậy để phòng tránh lây nhiễm HPV và dự phòng ung thư CTC, các chị em phụ nữ nên thực hiện tốt các biện pháp nêu trên trong chiến lược phòng tránh ung thư CTC là: sinh hoạt tình dục an toàn, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, chung thủy một vợ một chồng, sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục, hạn chế số bạn tình; Tầm soát CTC đều đặn, điều trị sớm các thương tổn ở CTC; Tiêm vacxin HPV (Gardasil  hoặc Cervarix) theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek