Trầm cảm sau sinh là cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng… sau khi sinh của người mẹ. Trầm cảm có thể nhẹ hoặc nặng, hoặc thoáng qua nhưng đa phần bà mẹ đều có dấu hiệu trầm cảm sau sinh. Để vượt qua, người mẹ rất cần sự hỗ trợ từ người thân trong gia đình.
Nguy hiểm từ bệnh trầm cảm
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ở xã Bình Ngọc, (TP Tuy Hòa) hiện đã có 2 con. Tuy nhiên, trong thời gian sinh hai con chị đều cảm thấy buồn chán, áp lực trong việc chăm sóc con nhỏ. Nhất là trong tháng đầu sau sinh, cảm giác căng thẳng, buồn chán và mệt mỏi xuất hiện thường xuyên bởi chịu áp lực chăm con nhỏ, kiêng cữ, thay đổi thói quen sinh hoạt... Chị Thúy chia sẻ: “Khi chưa sinh con, đi làm giao tiếp với mọi người quen rồi, bây giờ ở nhà một mình không nói chuyện được với mọi người, cũng không đi đâu được... Con khóc, con bệnh trăm thứ nên mình cảm thấy rất stress. Cũng may là vượt qua được rồi”.
Chị Lê Thị Kim Lưu ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu) cho biết: “Tôi có nghe nói đến trầm cảm sau sinh. Sau khi sinh, cảm xúc bất thường, lúc vui lúc buồn nhưng tôi không biết có phải trầm cảm hay không, cũng không biết đi khám ở đâu, hỏi ai”.
Còn nhớ hồi giữa năm nay, vụ án người mẹ ở Hà Nội (20 tuổi) vì trầm cảm sau khi sinh con trai được 33 ngày tuổi đã ra tay giết hại con của mình. Vụ án gây rúng động trong dư luận, người bức xúc, kẻ xót xa bởi người mẹ gây án khi đang mắc phải chứng trầm cảm nặng sau sinh. Đây là căn bệnh nguy hiểm mà nhiều chị em mắc phải sau khi sinh con, nếu chồng và gia đình chủ quan bỏ mặc có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Trầm cảm nhẹ thường chỉ biểu hiện ở tâm trạng đau buồn, suy sụp, tự ti. Nhưng nếu nặng hơn, người mẹ có thể sẽ nảy sinh ý muốn tự sát hoặc thậm chí là sát hại chính con mình, như trường hợp của người mẹ kia.
Bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Phú Yên, cho biết: Khi người mẹ sinh con rất cần được quan tâm chia sẻ để giảm bớt triệu chứng trầm cảm. Sự quan tâm không chỉ là giúp đỡ việc chăm sóc em bé mà còn thể hiện qua việc lắng nghe những tâm tư, tình cảm của người mẹ. Ngoài ra, người thân cũng cần chú ý trong cách nói năng để người mẹ không có cảm giác cô đơn, bị bỏ rơi. Thực tế thời gian qua, một số người mẹ bị trầm cảm nặng đã gây ra những hậu quả nặng nề như tự sát cả mẹ và con, hoặc bệnh nặng khó hồi phục… Tuy trầm cảm nặng không phổ biến nhưng các thể nhẹ thì nhiều người mẹ gặp phải, gây khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và cuộc sống của chính người mẹ sau sinh và gia đình.
Cần chia sẻ với phụ nữ sau khi sinh
Theo thống kê của Tổng Cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), khoảng 15% phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên theo chuyên gia, con số này mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm khi nhiều người chưa nhận thức đúng về căn bệnh nguy hiểm này.
Thông thường, trầm cảm sau sinh xuất hiện là do sự thay đổi đột ngột về estrogen và progestrogen. Hoóc-môn tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm. Nhiều người lại gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé nên cũng cảm thấy lo lắng, buồn chán. Đối với những người sinh con lần đầu, triệu chứng này sẽ nhiều hơn so với sinh con lần sau. Đáng nói, nhiều người mẹ hay người thân không nhận biết được những biểu hiện của trầm cảm để kịp thời chia sẻ, hỗ trợ.
“Để người mẹ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn sau sinh, tránh hoặc giảm nhẹ các triệu chứng trầm cảm, gia đình và người chồng cần sẻ chia với người mẹ. Theo đó, ngoài hỗ trợ chăm sóc con nhỏ còn cần thường xuyên trò chuyện, lắng nghe những vấn đề về sức khỏe, tình cảm để giúp người mẹ giải tỏa bớt căng thẳng, mệt mỏi. Trầm cảm là căn bệnh về tâm lý nhưng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ. Theo đó, nếu buồn chán, mệt mỏi, chán ăn, sức khỏe người mẹ sẽ giảm sút, từ đó việc chăm sóc trẻ cũng bị ảnh hưởng theo”, bác sĩ Vũ Ngọc Dững tư vấn.
KIM CHI - HUYỀN TRANG