Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Để thực phẩm an toàn đòi hỏi phải an toàn từ khâu sản xuất đến chế biến và sử dụng. Vậy sử dụng thực phẩm như thế nào để đảm bảo vệ sinh cho bản thân và cộng đồng?
Người ta thường nói “bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra” quả không sai! Nhiều bệnh như các bệnh về đường tiêu hóa là do ăn uống mất vệ sinh, các bệnh liên quan đến chuyển hóa là do ăn uống không phù hợp... Hiện nay, mô hình bệnh tật ở nước ta đã có sự thay đổi đáng kể, từ mô hình bệnh lý nhiễm trùng là chủ yếu chuyển sang mô hình bệnh tật mà các bệnh liên quan đến chuyển hóa, ung thư... chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu bệnh tật.
Lý giải về sự thay đổi mô hình bệnh tật ở Việt Nam, nhiều nhà khoa học bằng các nghiên cứu cắt ngang và nghiên cứu thực chứng cho thấy sự thay đổi của môi trường sống, chế độ dinh dưỡng, lối sống và thực phẩm không an toàn đều có liên quan.
Thực phẩm không an toàn có nghĩa là thực phẩm đó khi ăn, uống vào cơ thể có thể gây nên những tác động nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Cụ thể: Ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại lâu dài có thể gây ung thư, suy gan, suy thận; hay ăn thực phẩm đã bị nhiễm ký sinh trùng hay vi trùng gây bệnh sẽ gây nên bệnh tiêu chảy, lỵ, tả, thương hàn; sử dụng thực phẩm biến đổi gien (gene) lâu dài có thể gây đột biến tế bào cho người sử dụng; sử dụng thực phẩm không đúng cách, ăn quá nhiều loại này, ít loại kia sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa chất trong cơ thể...
Thực phẩm an toàn có nghĩa là trong thực phẩm đó không có các yếu tố gây hại cho sức khỏe của con người (vấn đề này liên quan đến quá trình nuôi, trồng), trong quá trình chế biến, phân phối không để bị ô nhiễm, làm cho thực phẩm từ sạch trở thành thực phẩm có khả năng gây nguy hại cho sức khỏe. Và cuối cùng là cách sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng.
Nhiều cách ăn uống có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe. Tại TP Tuy Hòa, thức ăn đồ uống được bày bán khắp nơi, từ trong nhà đến vỉa hè, thậm chí cả những xe hàng di động đều có thể phục vụ nhu cầu ăn uống bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào.
Người dân sẵn sàng ăn từ thực phẩm chín đến tươi sống, ăn cả những món tái, sống; có người dùng chén đũa, dao, nĩa, có người dùng cả bằng tay, dù ngành Y tế rất nhiều lần khuyến cáo phải ăn chín uống sôi hay nên rửa tay trước khi ăn. Chính cách ăn uống kiểu này là nguy cơ dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Một số người có thói quen ăn bất cứ đâu, mặc cho bụi, cát, khói, kể cả rác thải ở ngay bên cạnh. Với kiểu ăn uống như thế này thì dù cho thức ăn, đồ uống được chế biến đúng quy trình thì nguy cơ nhiễm khuẩn vẫn rất cao. Hơn nữa, sau đó các thức ăn đồ uống thừa cùng những chai, lọ, đũa, giấy bẩn… bị thực khách vô tư vứt chung quanh, làm ô nhiễm môi trường và đây chính là những “ổ gây bệnh”.
Để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cho mọi người, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư hãy hình thành, thực hiện thói quen giữ vệ sinh trong ăn uống, thực hiện “ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn” và “ăn đúng nơi, ngồi đúng chỗ”, đừng “sáng tạo” ra cách ăn uống ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và những người xung quanh!
NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên