Là căn bệnh gây tử vong cao nhất trên thế giới, bệnh mạch vành với biến chứng nhồi máu cơ tim cấp đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Đâu là những dấu hiệu báo động của nhồi máu cơ tim cấp? Làm thế nào để tái thông động mạch vành bị hẹp, tắc? Và làm thế nào ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành?
Những câu hỏi trên đã được PGS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp Việt Nam, giải đáp trong cuộc phỏng vấn của phóng viên Báo Phú Yên.
PGS-TS-BS Nguyễn Quang Tuấn - Nguồn: INTERNET |
* Nhồi máu cơ tim cấp đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người. Đâu là những dấu hiệu báo động của nhồi máu cơ tim cấp, thưa phó giáo sư?
- Nhồi máu cơ tim cấp là biến chứng cấp tính xảy ra khá đột ngột, thường biểu hiện bằng cơn đau thắt ngực dữ dội ở vùng trước tim, sau xương ức. Cơn đau kéo dài trên 20 phút; người bệnh nghỉ ngơi, ngậm thuốc Nitrat giúp giãn mạch vành… vẫn không đỡ. Cơn đau làm bệnh nhân rất mệt và lo sợ; đau có thể vã mồ hôi, mệt xỉu, da xanh…
Đó là những biểu hiện điển hình. Tuy nhiên với những người lớn tuổi thì có thể có các biểu hiện không điển hình, đôi khi chỉ mệt không rõ nguyên nhân hoặc vã mồ hôi không rõ nguyên nhân. Đấy là những triệu chứng mà chúng ta hay gặp ở nhồi máu cơ tim.
* Phó giáo sư có thể cho biết, làm thế nào để chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp?
- Khi có cơn đau như vậy, bệnh nhân bắt buộc phải vào bệnh viện. Cơn đau là lý do chính để họ nhập viện. Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, làm các xét nghiệm để chẩn đoán. Lâm sàng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim khá hạn chế vì các triệu chứng thực thể không nhiều, ngoài tình trạng nhịp tim nhanh, huyết áp có thể tăng có thể giảm, phổi có thể có ran…; chủ yếu là dựa vào điện tâm đồ.
Điện tâm đồ có thay đổi đoạn ST - T và xuất hiện sóng Q. Dựa vào các dấu ấn sinh học: CK-MB, Troponin và gần đây là hs-Troponin… của tim, dựa vào siêu âm tim…, bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định có nhồi máu cơ tim hay không, hay đau ngực là do nguyên nhân khác.
* Đối với những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp, phương pháp điều trị tái tưới máu nào mang lại hiệu quả cao và đang được lựa chọn nhiều nhất hiện nay, thưa phó giáo sư?
- Điều trị tái tưới máu trong nhồi máu cơ tim có 3 biện pháp. Biện pháp đầu tiên, rất “kinh điển” là dùng thuốc để tiêu sợi huyết, thứ hai là dùng các biện pháp can thiệp cơ học như nong mạch vành đặt stent, hút huyết khối; thứ ba là phẫu thuật. Hiện nay, xu hướng chung ở Việt Nam cũng như trên thế giới là can thiệp mạch vành qua da.
Chụp mạch vành, thấy hẹp, tắc thì bác sĩ sẽ nong, đặt stent để mở thông những chỗ đó. Đây là biện pháp đơn giản, không cần gây mê, hiệu quả cao và biến chứng thấp, tuy nhiên đòi hỏi phải có thiết bị hiện đại với hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống máy cấp cứu - hồi sức kèm theo. Đặc biệt, biện pháp này đòi hỏi thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn nhất định, được đào tạo nhiều kỹ năng trong can thiệp, trong cấp cứu và hồi sức các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch.
* Những trường hợp nào mà kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da sẽ mang lại hiệu quả cao nhất?
- Điều trị tái tưới máu mạch vành cũng giống như… chữa cháy nhà, càng nhanh càng tốt để cứu cơ tim. Vì vậy phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện và chúng ta can thiệp tái thông mạch vành càng sớm thì cơ tim bị tổn thương càng ít.
* Phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành sẽ được thực hiện trong những trường hợp nào?
Kíp bác sĩ, kỹ thuật viên do PGS-TS-BS Hồ Thượng Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) làm trưởng kíp đang điều trị tái tưới máu bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành qua da tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN |
- Phẫu thuật bắc cầu nối chủ - vành được chỉ định trong những trường hợp có biến chứng cơ học, khi can thiệp không xử lý được mà bắt buộc phải phẫu thuật, hoặc những trường hợp tổn thương phức tạp, can thiệp có nguy cơ cao.
Tuy nhiên phẫu thuật trong nhồi máu cơ tim cấp thì khá hạn chế, tỉ lệ rất thấp. Chủ yếu là phẫu thuật trong các giai đoạn bệnh nhân ổn định hơn, bệnh nhân có cơn đau thắt ngực ổn định hoặc mạch vành bị tổn thương nhiều nhánh. Đây là những chỉ định phẫu thuật có hiệu quả cao nhất, vì nó ít gây ra các biến chứng hơn là phẫu thuật trong giai đoạn cấp của nhồi máu cơ tim.
* Theo phó giáo sư, làm thế nào để có một trái tim khỏe mạnh và ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành?
- Điều quan trọng để có một trái tim khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh lý mạch vành cũng như các bệnh không lây nhiễm là có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá. Thuốc lá là kẻ thù số 1 của tim mạch, của mạch vành. Thứ hai là giữ trọng lượng cơ thể hợp lý; thừa cân béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành. Thứ ba là thường xuyên luyện tập, vận động thể lực, vì lối sống tĩnh tại cũng là một yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, các bệnh lý như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp... là những yếu tố quan trọng gây ra bệnh mạch vành, tuy nhiên các bệnh lý này không có triệu chứng. Do vậy chúng ta phải khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm máu, đo huyết áp để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ này và điều trị, giảm đi nguy cơ gây ra bệnh mạch vành.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
YÊN LAN