Là một bệnh âm thầm, loãng xương thường không có triệu chứng lúc mới mắc, nhưng bệnh có thể để lại hậu quả rất nặng nề. Bệnh lý này lại chưa được quan tâm đúng mức nên còn nhiều bất cập trong việc phát hiện, điều trị cũng như dự phòng.
PGS-TS Lê Anh Thư - Ảnh: YÊN LAN |
Phóng viên Báo Phú Yên đã phỏng vấn PSG-TS Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam về bệnh loãng xương, cách phát hiện và dự phòng căn bệnh nghiêm trọng này.
* Thưa phó giáo sư, vì sao loãng xương được coi là một trong những bệnh nghiêm trọng?
- Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang quan tâm đến những bệnh mãn tính không lây nhiễm, vì các bệnh này chiếm trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong. Tại Việt Nam, 5 nhóm bệnh hàng đầu đang được quan tâm là tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các rối loạn tâm thần và các bệnh ung thư.
Loãng xương là nhóm bệnh thứ 6, với khoảng 3,5 triệu người bị bệnh theo ước tính, còn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng lúc ban đầu, người bệnh loãng xương không biết mình bị bệnh, không đi khám bệnh và không được phát hiện bệnh, nên con số thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều. Hậu quả của bệnh là gãy xương, đáng lo ngại nhất là gãy cổ xương đùi, bệnh nhân phải chịu đau đớn, mất khả năng vận động, tàn phế, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác và tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên bệnh lý này vẫn chưa được quan tâm đúng mức từ phía ngành Y tế cho đến cộng đồng. Đã đến lúc chúng ta phải đánh động vì nếu bác sĩ vẫn chưa quan tâm thì làm sao bệnh nhân biết để quan tâm?
Khi nào đau thì bệnh nhân mới đi khám, nhưng bệnh loãng xương khởi đầu không đau, còn khi đau thì thường đã có biến chứng gãy xương, và như vậy chẩn đoán đã chậm trễ, việc điều trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn.
* Bệnh loãng xương diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng, vậy làm thế nào để một người biết rằng mình bị loãng xương?
- Vì bệnh này âm thầm, không có triệu chứng nên các nhà chuyên môn nêu ra một số yếu tố nguy cơ về tuổi, về giới, về những tình trạng khác, ví dụ như bị suy dinh dưỡng lúc nhỏ, bị những bệnh lý đường tiêu hóa, viêm khớp, bệnh lý thận mạn, phụ nữ mãn kinh hay mãn kinh sớm, tiền sử gia đình có cha hoặc mẹ bị loãng xương hay gãy xương do loãng xương…
Các bác sĩ cũng khuyên, chúng ta phải lắng nghe cơ thể mình, nếu nhận thấy có những thay đổi, dù nhỏ, cần chủ động đi khám; phụ nữ đến độ tuổi mãn kinh, nam giới trên 60 tuổi, người có các yếu tố nguy cơ nêu trên thì nên chủ động đi khám.
Các thầy thuốc sẽ thăm khám lâm sàng, xác định các yếu tố nguy cơ, cho đo mật độ xương, qua đó có thể xác định người bệnh mới có nguy cơ bị loãng xương hay đã bị loãng xương, mức độ bệnh, dự báo nguy cơ gãy xương do loãng xương cho từng người… Quan trọng là như vậy, chứ còn để gãy xương rồi mới gặp bác sĩ thì trễ mất rồi, lúc đó người bệnh sẽ phải vừa điều trị bệnh loãng xương, vừa điều trị biến chứng gãy xương. Chi phí điều trị gãy xương do loãng xương cao hơn rất nhiều so với điều trị loãng xương đơn thuần.
Thầy thuốc và người bệnh cần phải hiểu được là bệnh này không có triệu chứng cho nên phải chủ động tìm, tất nhiên là tìm trên các đối tượng nghi ngờ, có các yếu tố nguy cơ. Nếu không tìm thì làm sao thấy! Tôi được biết, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên đã có máy đo mật độ xương.
* Thói quen sinh hoạt và môi trường sống ảnh hưởng đến xương như thế nào, thưa phó giáo sư?
- Rất nhiều, ví dụ như thói quen ăn uống, vận động, thói quen hút thuốc lá, sự nhiễm độc từ môi trường… Chế độ ăn của người Việt Nam thường không bổ sung đủ canxi, chúng ta lại ít vận động, nhất là chị em phụ nữ làm việc văn phòng. Đó là những yếu tố rất quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh loãng xương mà chúng ta có thể thay đổi được.
Muốn phòng ngừa bệnh loãng xương thì phải bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D - dinh dưỡng cho xương và vận động vừa đủ. Tất nhiên trong vận động phải tránh nguy cơ té ngã. Vận động nhưng phải an toàn, đặc biệt là người già. Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, đều không tốt cho xương nên phải bỏ hoặc giảm bớt đi.
Ở các nước phát triển, người ta bổ sung canxi qua dinh dưỡng là chính, đó là các thực phẩm giàu canxi, đứng đầu là sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa. Ở Việt Nam, sữa khá đắt so với thu nhập của người dân, nhiều người lại không uống được sữa. Trước hết nên tận dụng tối đa nguồn canxi thực phẩm như sữa, cá nhỏ nguyên con, cua đồng, tôm tép nhỏ, rau xanh, trái cây sẫm màu…, nếu chưa đủ sẽ bổ sung thêm canxi từ dược phẩm, làm sao để cơ thể đủ lượng canxi theo nhu cầu, càng lớn tuổi thì nhu cầu về canxi càng nhiều hơn.
Đo mật độ loãng xương bằng phương pháp DEXA - Nguồn: TNO |
* Có một số ý kiến lo ngại rằng trẻ em uống nhiều sữa thì có thể sẽ… dậy thì sớm. Phó giáo sư nói gì về luồng ý kiến đó?
- Sữa được coi là nguồn cung cấp canxi chủ yếu cho con người. Con người đã sử dụng sữa như một loại thực phẩm thiết yếu từ thời khai thiên lập địa. Ở các nước phát triển, sữa cho mỗi người tính bằng lít, mỗi người uống 2, 3 ly sữa mỗi ngày là chuyện bình thường. Còn chuyện dậy thì sớm ở trẻ em thì liên quan đến rất nhiều yếu tố, từ nội tiết, chuyển hóa, môi trường… đến kinh tế - xã hội… chứ không phải do sữa.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng sử dụng canxi từ thực phẩm là an toàn nhất, còn bổ sung bằng canxi dược phẩm đường uống thì có thể gặp một số vấn đề, như có thể gây táo bón, sỏi thận, khó hấp thu… Vì vậy, phải tận dụng tối đa canxi từ thực phẩm, trong đó sữa và các sản phẩm từ sữa là quan trọng nhất, nếu không đủ thì phải bổ sung bằng dược phẩm.
Cũng phải nói rõ rằng sữa ở đây là sữa nguyên chất, chứ không phải sữa đặc có đường. Cũng đừng nghĩ rằng uống sữa thì trẻ em sẽ mập; trẻ mập là do đường và do tinh bột. Trẻ nào thừa cân béo phì thì cho uống sữa không đường, sữa ít béo hay sữa tách bơ… Với người trưởng thành hoặc người có tuổi cũng nên chọn sữa không đường, sữa ít béo hay sữa tách bơ.
* Đâu là vấn đề mấu chốt để tăng và duy trì được khối lượng xương đỉnh, thưa phó giáo sư?
- Khối lượng xương đỉnh phụ thuộc 4 yếu tố: hormon, di truyền, dinh dưỡng và vận động. Bốn yếu tố đó tốt thì chúng ta có thể tăng tối đa khối lượng xương đỉnh. Nếu tăng được 10% thì sẽ giảm đến 50% nguy cơ gãy xương trong suốt cuộc đời.
Về vấn đề di truyền và hormon, xương mình tốt thì xương con mình cũng sẽ tốt. Bố mẹ bị loãng xương thì con có nguy cơ loãng xương. Mình phải có ý thức bảo vệ xương cho con của mình bằng cách đầu tư cho xương của con từ khi con còn trong bụng mẹ. Đây là các yếu tố ảnh hưởng tới từng thế hệ, tới sức khỏe nòi giống, thế hệ trước sẽ ảnh hưởng tới thế hệ sau. Chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa đến sự phát triển hệ xương, tức chiều cao của người Việt, đang rất khiêm tốn hiện nay!
Hai điều mà chúng ta có thể làm được ngay cho bản thân, gia đình và cộng đồng là dinh dưỡng và vận động. Phụ nữ có sứ mệnh rất quan trọng trong việc bảo vệ xương cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là bảo vệ xương cho con bằng chế độ dinh dưỡng và vận động. Dinh dưỡng hợp lý, vận động hợp lý thì sẽ tăng khối lượng xương đỉnh, đây cũng là cách phòng bệnh loãng xương.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
Nhu cầu canxi thay đổi theo lứa tuổi, trạng thái cơ thể của mỗi người
- Từ lúc mới sinh đến 6 tháng, trẻ cần khoảng 200mg mỗi ngày
- Từ 6 tháng đến 12 tháng, trẻ cần trung bình 250-300mg/ngày
- Từ 3 đến 9 tuổi, trẻ cần từ 500-800mg/ngày
- Từ 10 đến 18 tuổi, nhu cầu hàng ngày lên tới 1.300mg
- Từ 19 đến 50 tuổi, nhu cầu hàng ngày chỉ là 1.000mg
- Giai đoạn mang thai và cho con bú nhu cầu canxi khoảng 1.200-1.500mg/ngày
- Từ trên 51 tuổi, nhu cầu canxi hàng ngày bắt đầu tăng nhiều hơn, khoảng 1.300mg
- Ở người có tuổi (≥65) và người bị loãng xương, nhu cầu canxi hàng ngày ≥ 1.500mg |
YÊN LAN (thực hiện)