Thứ Bảy, 05/10/2024 20:20 CH
Bác sĩ Trần Văn Tý, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên:
Mỗi người cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để khống chế tiêu chảy cấp
Thứ Sáu, 16/11/2007 07:44 SA

Đến hôm qua (15/11), tỉnh Phú Yên đã có 20 ca tiêu chảy cấp, tập trung nhiều nhất huyện Sông Cầu 11 ca, còn lại thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa và TP Tuy Hòa. Sở Y tế Phú Yên đã lấy 16 mẫu bệnh phẩm (14 bệnh nhân và 2 người nhà chăm sóc bệnh nhân) để xét nghiệm. Kết quả 13 mẫu âm tính, 3 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn NAG nhóm II và 2 mẫu dương tính với vi rút Vibrio parahaemolyticus. Trao đổi với Báo Phú Yên, bác sĩ Trần Văn Tý, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, cho biết:

 

- Đến thời điểm hiện nay Phú Yên chưa có trường hợp tiêu chảy dương tính với vi khuẩn tả. Trong tổng số 16 mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm, chỉ có 3 mẫu cho kết quả dương tính, trong đó một mẫu dương tính với vi khuẩn NAG nhóm II và 2 mẫu dương tính với vi rút Vibrio parahaemolyticus (cả 3 ca dương tính đều ở huyện Sông Cầu). Đây là nhóm vi rút, vi khuẩn thường gặp trong tiêu chảy. Tuy nhiên, sự có mặt của nhóm vi khuẩn NAG nhóm II và vi rút Vibrio parahaemolyticus cũng gây ra dịch tiêu chảy thường đã từng xảy ra ở Phú Yên, nên tuyệt đối không được chủ quan. Riêng trường hợp cháu bé 29 tháng tuổi ở huyện Sơn Hòa tử vong do tiêu chảy trên đường đến bệnh viện huyện, Sở Y tế Phú Yên đã xác minh, lấy lại mẫu bệnh phẩm và cho kết quả âm tính với phẩy khuẩn tả.

 

* Thưa bác sĩ, số ca bệnh tiêu chảy cấp đang tăng lên hàng ngày ở các địa phương, Sở Y tế Phú Yên có biện pháp gì để ngăn chặn bệnh dịch này?

 

- Ngay sau khi nước lũ vừa rút, Sở Y tế Phú Yên đã có kế hoạch chỉ đạo đến cơ sở triển khai khẩn trương công tác vệ sinh môi trường, tiêu trùng khử độc nguồn nước để phòng chống các bệnh dịch thông thường sau ngập lụt, trong đó có bệnh tiêu chảy. Ngày 13/11, Sở Y tế tiếp tục ban hành kế hoạch số 319 về phòng chống khẩn cấp dịch tiêu chảy cấp. Theo đó, các địa phương cần thực hiện 7 nhiệm vụ cấp bách để phòng chống dịch tiêu chảy: Củng cố ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp ở các tuyến; thành lập đội cơ động phòng chống dịch ở từng tuyến, chuẩn bị các cơ số thuốc dự trữ cho chống dịch tả tối thiểu theo quy định; thực hiện tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng các kiến thức và biện pháp vệ sinh phòng dịch; xử lý nguồn nước ăn, nước sinh hoạt trong nhân dân; xử lý vệ sinh môi trường; giám sát chặt chẽ những vùng chưa có bệnh và xử lý triệt để theo các quy định cụ thể của ngành.

 

* Bác sĩ có những khuyến cáo gì với cộng đồng trong tình hình có nguy cơ bùng phát dịch tiêu chảy cấp?

 

- Bệnh dịch này hoàn toàn có thể tự khống chế nếu mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh. Đối với mỗi người dân, cộng đồng thực hiện tốt một số biện pháp sau: Vệ sinh tốt môi trường sau lụt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện ăn chín, uống sôi, tuyệt đối không dùng các thực phẩm ở nhóm nguy cơ cao như: rau sống, tiết canh, nước đá, mắm ruốc, mắm tôm sống, hải sản chưa chín…; hạn chế hội họp, tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới hỏi, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; khi người nhà mắc bệnh phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện huyện để điều trị và cách ly theo hướng dẫn.

 

* Xin cám ơn bác sĩ!

 

TRẦN QUỚI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek