Đoàn bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh vừa phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên khám tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em và phát hiện 15 bệnh nhi cần được phẫu thuật. Việc khám tầm soát có ý nghĩa như thế nào, và những đứa trẻ bị dị tật ở tim có thể sống một cuộc sống bình thường hay không? Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh xoay quanh vấn đề này. PGS-TS Nguyễn Hoàng Định cho biết:
Lần này đến Phú Yên, chúng tôi khám tầm soát gần 150 bệnh nhân, chủ yếu là trẻ em, trong đó khoảng 30 trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh, có 15 trường hợp cần phẫu thuật. Có những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh tương tự những ca chúng tôi vẫn thường điều trị, tuy nhiên bên cạnh những trường hợp đơn giản cũng có một số trường hợp khá là phức tạp. Có những trường hợp được chẩn đoán lâu rồi nhưng bệnh nhân vẫn chưa phẫu thuật vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi chẩn đoán, chúng tôi lên danh sách, phối hợp với Sở LĐ-TB-XH và sự hỗ trợ của tỉnh, đồng thời sẽ tìm những nguồn riêng từ các mạnh thường quân, các tổ chức bảo trợ xã hội mà Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đang kết nối để tìm nguồn tài trợ phẫu thuật cho các bệnh nhân này.
* Thưa phó giáo sư, việc khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh có ý nghĩa như thế nào đối với sức khỏe trẻ em?
- Việc này có ý nghĩa to lớn, vì cứ 100 đứa trẻ được sinh ra thì có 1 đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh. Trên thế giới cũng vậy và tại Việt Nam cũng vậy, dù chúng ta có các biện pháp dự phòng nhưng tỉ lệ mắc bệnh tim bẩm sinh vẫn không giảm đi. Cho nên hằng ngày, trong số những đứa trẻ được sinh ra vẫn có cháu mắc bệnh tim bẩm sinh. Đây là căn bệnh quái ác, đa phần trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không sống lâu được. Có những bé mới ra đời đã mất, có những đứa bé chỉ sống được trong một thời gian ngắn thôi. Có những đứa bé sống lâu hơn nhưng lại trở thành gánh nặng cho gia đình, cho xã hội.
Hiện nay, nhiều gia đình có con mắc bệnh tim bẩm sinh thậm chí không có điều kiện đưa cháu đến các cơ sở y tế lớn ở TP Hồ Chí Minh để được chẩn đoán một cách chính xác. Có đứa bé đã 5 tuổi, 10 tuổi, thậm chí có người gần 20 tuổi ở một tỉnh nọ chưa bao giờ được khám tim một lần, trong khi người đó đã mắc bệnh tim bẩm sinh… Chúng tôi mong muốn những đứa trẻ, cho dù ở vùng sâu vùng xa, cũng được khám tim một lần trong đời, và nếu đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thì có cơ hội được phát hiện bệnh. Nhiều trường hợp, y học có thể “sửa chữa” hoàn toàn những dị tật ở tim, làm cho trái tim của cháu khỏe mạnh trở lại, và xã hội có thêm một người khỏe mạnh. Ý nghĩa xã hội của công việc này là như vậy. Ý nghĩa thứ hai là gắn kết các nhà hảo tâm, những người muốn đóng góp cho xã hội, với các bệnh viện, các sở LĐ-TB-XH có chung một mục đích là giúp các cháu thoát khỏi căn bệnh này.
* Thực tế cho thấy, đa phần trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh là con nhà nghèo. Thưa phó giáo sư, môi trường sống không đảm bảo có liên quan như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh?
- Người ta nghĩ có thể có sự liên quan giữa môi trường sống với việc hình thành bệnh tim bẩm sinh, tuy nhiên điều đó vẫn chưa được chứng minh một cách cụ thể bằng khoa học. Nhưng có những bằng chứng cho thấy môi trường ảnh hưởng đến quá trình mang thai của người mẹ, đặc biệt là trong tuần thứ hai, thứ ba, thứ tư của thai kỳ, lúc thai nhi hình thành hệ thống tim mạch. Khi trong cơ thể bé hình thành hệ thống tim mạch và dần hoàn thiện, bất cứ tác động nào từ phía bên ngoài cũng có thể làm cho quá trình đó bị thay đổi và gây nên dị tật ở tim. Những biến đổi đó có thể là do chất độc từ môi trường bên ngoài, như khói thuốc lá mà người mẹ hít phải, như những kim loại nặng, hóa chất, thuốc… mà người mẹ uống vào một cách không cẩn thận. Và đặc biệt, người ta thấy rằng những bà mẹ bị nhiễm một số loại siêu vi trùng như rubella, thủy đậu… trong ba tháng đầu của thai kỳ thì khả năng đứa trẻ bị dị tật bẩm sinh ở tim là rất cao.
* Liệu phẫu thuật có thể giúp những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh có một trái tim khỏe mạnh và sống bình thường?
- Trong 70% các trường hợp, phẫu thuật tim có giúp cho đứa trẻ có được cuộc sống bình thường. Khoảng 25-30% các trường hợp do dị tật tim rất phức tạp, cho nên chúng ta không thể nào “sửa chữa” để đứa trẻ có một trái tim bình thường, với các cấu trúc của một trái tim bình thường. Nhưng mà chúng ta có thể phẫu thuật, giúp đứa bé có thể khỏe hơn, có đời sống lâu hơn. Những đứa trẻ đó, nếu không phẫu thuật có thể chỉ sống được đến 3 tuổi, 5 tuổi nhưng nếu được phẫu thuật, “sửa chữa” quả tim thì có thể sống được 20, 30 thậm chí 40 tuổi, có thể lập gia đình và có con.
Và cũng lưu ý một điều là nếu chúng ta phẫu thuật cho bé sớm thì khả năng “sửa chữa” triệt để quả tim của cháu sẽ tốt hơn, không để cho dị tật, khiếm khuyết của tim ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, ví dụ như phổi. Còn một khi đã bị ảnh hưởng rồi, nếu chúng ta có “sửa chữa” trái tim thì cũng không thể nào điều chỉnh các cơ quan khác trong cơ thể cho tốt.
* Xin cảm ơn phó giáo sư!
YÊN LAN (thực hiện)