Thứ Bảy, 12/10/2024 06:19 SA
Thoát khỏi sỏi thận nhờ kỹ thuật cao, ít xâm lấn
Thứ Hai, 05/06/2017 14:00 CH

Kíp phẫu thuật do PGS-TS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng (bên phải) làm trưởng kíp, thực hiện kỹ thuật nội soi tán sỏi thận qua da tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Sỏi tiết niệu là một trong các bệnh lý phổ biến, trong đó sỏi thận và sỏi niệu quản chiếm hơn 80%. Để điều trị các sỏi lớn ở đoạn trên niệu quản và thận, phương pháp nội soi tán sỏi thận qua da đã được áp dụng, có khả năng thay thế cho mổ mở. Kỹ thuật này vừa được các bác sĩ đến từ Bệnh viện Bình Dân (TP Hồ Chí Minh) thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, với 6 bệnh nhân được nội soi tán sỏi thận qua da.

 

Nội soi tán sỏi thận qua da là một phương pháp nội soi đặc biệt điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản. Bệnh nhân được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật dùng một kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận. “Đường hầm” của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng các dụng cụ nong để đạt được kích thước như thân một chiếc bút, qua đó cho phép đưa vào máy nội soi tán sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn và hút ra. Sau đó, cũng qua “đường hầm”, bác sĩ đặt một ống thông thận dẫn lưu. Ống thông này sẽ được rút ra sau 24-48 giờ. (Theo trisoithan.vn)

Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, về kỹ thuật nội soi tán sỏi thận qua da và những nguy cơ dẫn đến sỏi thận, sỏi niệu quản.

 

* Thưa phó giáo sư, kỹ thuật nội soi tán sỏi thận qua da có những ưu điểm gì so với các kỹ thuật trước?

 

- Đây là một kỹ thuật cao. Phẫu thuật nội soi nên đường mổ nhỏ, ít xâm lấn, tỉ lệ thành công cao, khoảng 95%; thời gian bình phục nhanh hơn mổ mở. Bệnh nhân mổ mở mất khoảng 8-9 ngày để hồi phục; nếu phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da thì thời gian hồi phục rút ngắn còn một nửa. Tuy nhiên, bác sĩ phải thuần thục kỹ thuật này, nếu không thì thời gian bình phục có thể không ngắn hơn bao nhiêu.

 

* Phó giáo sư có thể cho biết những trường hợp nào được chỉ định điều trị bằng kỹ thuật này?

 

- Hầu hết trường hợp bị sỏi thận trên thế giới được điều trị bằng kỹ thuật này, khoảng 95%. Tuy nhiên, phải lưu ý là ở các nước phát triển, sỏi thận của bệnh nhân nhỏ hơn người ở xứ đang phát triển. Lý do chính là sỏi thận được phát hiện sớm, vì hệ thống bác sĩ gia đình phát triển. Cho nên không chỉ bệnh này mà những bệnh khác đều được phát hiện ở giai đoạn sớm. Nói cách khác, hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ tốt hơn, cho nên sỏi thận được phát hiện khi còn nhỏ. Cũng giống như những bệnh khác, ở giai đoạn nhẹ thì người ta đã phát hiện.

 

* Nội soi tán sỏi thận qua da là một kỹ thuật ít xâm lấn, tuy nhiên cũng có những biến chứng. Theo phó giáo sư, biến chứng nào đáng ngại hơn cả?

 

- Có khá nhiều biến chứng đáng ngại như nhiễm trùng, chảy máu. Đó là hai biến chứng đứng đầu, tỉ lệ gần như ngang nhau. Ngoài ra còn những biến chứng khác. Phẫu thuật nội soi tán sỏi thận qua da nếu không có biến chứng thì thôi, nếu có thì dễ thành biến chứng nặng. Nếu mình làm không tốt, thì biến chứng đó, dù ít, nhưng nặng so với mổ mở.

 

* Thói quen sinh hoạt, ăn uống liên quan như thế nào đến việc hình thành sỏi thận, sỏi niệu quản?

 

- Về chuyện ăn uống, y học ở ta chưa có nghiên cứu. Những cái gọi là có bằng chứng rõ ràng là nhiều người bị nhiễm trùng đường niệu, mà nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi. Trong số các bệnh nhân vào bệnh viện, số người bị nhiễm trùng đường niệu rất nhiều.

 

Còn nguyên nhân từ việc ăn uống thì chúng ta chưa khảo sát, chưa có những dữ liệu riêng. Người dân mình có thói quen ăn mặn, nói chính xác là ăn rất mặn, thứ hai là ăn tinh bột nhiều. Dù cuộc sống đã khá lên nhưng tỉ lệ nông dân vẫn cao, và nông dân có thói quen ăn nhiều tinh bột. Nếu ăn tinh bột nhiều thì dễ bị sỏi oxalat. Đó là sách vở nói. Còn nếu ăn mặn nhiều thì bị sỏi canxi; sỏi oxalat cũng có. Đó là những nguy cơ sỏi thận do ăn uống mà ra, đặc biệt là ăn rất mặn. Vì sao nói như vậy? Vì bình quân liều muối mà người Việt chúng ta đưa vào cơ thể hằng ngày gấp đôi liều tối đa của tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo. Dựa vào đó có thể nói rằng chúng ta ăn mặn, thậm chí là ăn rất mặn.

 

* Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu đến từ đâu, thưa phó giáo sư?

 

- Đó là do lối sống. Nền kinh tế xã hội còn ở mức thấp, ý thức của người dân về bệnh tật cũng như về việc phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh tật còn thấp. Và dù đã có nhiều cố gắng, nhưng như Bộ Y tế thừa nhận, hệ thống y tế gia đình, bác sĩ gia đình chưa phát triển.

 

Sỏi thận, cũng như mọi bệnh khác, cần được phát hiện, điều trị sớm; điều trị xong rồi thì phải tuân theo những hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ. Bây giờ, tại Việt Nam, người dân ăn cái gì mà hình thành sỏi nhiều thì mình không nói được, vì không có nghiên cứu. Nếu có sỏi thì lấy ra, chúng ta chỉ làm công việc đó chứ không có nghiên cứu. Mà nghiên cứu là điểm yếu chung chứ không phải của riêng ngành Y.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek