Hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu đáng mừng thì vẫn còn những vấn đề đáng quan ngại, trong đó có sức khỏe tâm lý.
Những vụ việc xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người giật mình, như vụ nhóm thanh niên đánh một thương binh 2/4 đến chấn thương, phải vào viện cấp cứu ở Hà Nội; nhóm nam nữ giằng co làm một bà cụ ngã xuống đường, chỉ vì bà vô tình giẫm lên chân một cô gái trong nhóm do người đi lễ chùa Hương quá đông; hay phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP Hồ Chí Minh bị “hôi hoa”... Rồi chồng đâm vợ đến tử vong chỉ vì bị vợ cằn nhằn do chồng nhậu say xỉn; trẻ vị thành niên chỉ vì một chiếc điện thoại đã giết bạn cùng lớp khi tuổi đời mới 15. Và còn những hành động giết người chỉ vì xích mích trong khi nhậu, hát karaoke…
Xét trên bình diện tâm lý, đây là những dấu hiệu báo động sự lệch chuẩn về đạo đức. Tuy mới thể hiện ở một số cá nhân hay nhóm nhỏ, nhưng nếu không được điều chỉnh thì sẽ trở nên phổ biến, dẫn đến sự lệch chuẩn đạo đức xã hội, khi đó hậu quả sẽ khó lường.
Về góc độ sức khỏe, sức khỏe của một cá nhân, một cộng đồng phải đảm bảo các khía cạnh như sảng khoái về thể chất, tinh thần và xã hội. Để sức khỏe tâm thần tốt (một khía cạnh của tâm lý) đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của mọi người, từ gia đình đến xã hội, làm cho mọi người có cảm xúc tích cực với đồng loại hơn, biết kiềm chế hơn, ứng xử có văn hóa hơn, nhất là những người trẻ.
Tâm lý phụ thuộc vào nhận thức của từng người và hoàn cảnh mà người đó sinh sống. Vì vậy, để một người có nhận thức đúng và tốt thì phải có được môi trường giáo dục tốt (cả gia đình và nhà trường). Mỗi gia đình phải xây dựng được chuẩn mực sống để đứa trẻ phát triển nhận thức tốt. Hình ảnh yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau giữa cha mẹ, con cái sẽ định hình cho tâm lý đứa trẻ biết cái gì đúng, cái gì sai, làm như thế nào là đúng, như thế nào là sai. Xây dựng được môi trường tình cảm trong gia đình để đứa trẻ có được tình cảm trong gia đình, từ đó có được tình cảm trong xã hội. Muốn vậy, các bậc làm cha, làm mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con cái, đừng để trẻ cảm thấy lạc lõng trong ngôi nhà của mình, từ đó chúng tìm nguồn vui trong quán internet hay tụ tập bạn bè, làm những việc vô bổ, thậm chí là có hại.
Nhà trường và cộng đồng cần quan tâm phối hợp với gia đình trong giáo dục trẻ. Môi trường giáo dục tốt sẽ tạo cho trẻ có được định hướng nhân cách, cách ứng xử và kỹ năng sống ở hiện tại và cả trong tương lai. Các cơ quan chức năng cần phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí lành mạnh để người dân nói chung, giới trẻ nói riêng có nơi giải trí; quản lý tốt các quán internet, karaoke…, tránh để trẻ sa đà vào các trò chơi bạo lực dẫn đến các hành vi thiếu lành mạnh, làm mất an toàn và trật tự xã hội.
Quan tâm đến sức khỏe tâm lý của mỗi người, đặc biệt là ở giới trẻ là điều cần thiết để chúng ta sống khỏe hơn, an toàn hơn trong một xã hội đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay.
QUANG NGUYỄN