Thứ Ba, 26/11/2024 05:34 SA
Kiểm soát bệnh hen phế quản: Phải kiểm soát môi trường trước tiên
Thứ Hai, 06/02/2017 13:00 CH

Khám bệnh cho một bệnh nhi (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: MINH NGUYỆT

Là bệnh hay gặp ở trẻ em, hen phế quản thường đặc trưng bởi tình trạng viêm mãn tính đường dẫn khí, gây trở ngại cho giấc ngủ, ảnh hưởng đến việc học, thậm chí các ống phế quản bị thu hẹp và cơn hen nặng khiến trẻ phải nhập viện cấp cứu. Đáng lưu ý, hen phế quản ở trẻ dưới 5 tuổi khó chẩn đoán và chủ yếu dựa vào lâm sàng.

 

Báo Phú Yên đã phỏng vấn ThS, bác sĩ Bùi Thị Hoàng Ngân đang công tác tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xoay quanh việc phòng ngừa giúp giảm nguy cơ phát sinh hen ở trẻ em.

 

* Thưa bác sĩ, vì sao các bé trai có nguy cơ mắc hen phế quản cao hơn các bé gái?

 

- Có một yếu tố mà người ta nói, là các bé trai nghịch hơn, vận động nhiều hơn các bé gái; tỉ lệ các bé trai mắc hen do gắng sức cao hơn các bé gái. Đấy là giả thuyết mà người ta đưa ra, bên cạnh đó còn rất nhiều yếu tố mà các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu.

 

* Theo chị, đâu là vấn đề cốt lõi trong điều trị hen phế quản ở trẻ em?

 

- Điều trị cho bệnh nhân, đầu tiên là phải chẩn đoán đúng, sau đó là dự phòng. Việc dự phòng cho bệnh nhi không quá phức tạp như người lớn, nhưng đó là cả một nghệ thuật mà sách vở không thể nào đề cập hết được…

 

Bác sĩ phải tư vấn để cha mẹ bệnh nhi hiểu và tuân thủ việc dự phòng. Họ phải hiểu rằng nếu như bệnh hen của con mình không được kiểm soát thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của đứa trẻ sau này. Cha mẹ có thể nhận thấy tình trạng còi cọc, chậm lớn… ở trẻ, nhưng có những vấn đề khó nhận thấy hơn, ví dụ như đứa trẻ bị thiếu oxy não, mệt mỏi nên học hành chểnh mảng, kết quả kém hơn. Đó là chưa nói đến việc đứa trẻ bị hen nặng, phải nghỉ học, vào viện…, rất nhiều vấn đề. Cha mẹ phải thấy rằng nếu không tuân thủ thì con mình sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

 

* Làm thế nào để giảm nguy cơ hen phế quản ở trẻ em, thưa bác sĩ?

 

- Nguy cơ bệnh hen là nguy cơ tương lai, trẻ có thể bị những cơn hen nếu có cha mẹ, đặc biệt là mẹ, bị hen dị ứng. Nếu trẻ từng có những cơn hen nặng, phải vào viện thì có nguy cơ sẽ bị những cơn hen nặng tiếp theo.

 

Trong việc kiểm soát bệnh hen phế quản, điều đầu tiên mà Tổ chức Phòng chống hen toàn cầu - GINA - đưa ra là kiểm soát môi trường. Khí hậu thay đổi thì chúng ta không thể khống chế được; môi trường ô nhiễm thì thế giới đang vào cuộc. Còn những yếu tố môi trường trong nhà mà chúng ta có thể khắc phục được, như khói thuốc lá, khói than, lông chó mèo, khói hương, phấn hoa, bụi nhà… Yếu tố dị nguyên gây hen đầu tiên là con mạt nhà. Có rất nhiều loại mạt nhà, và muốn diệt chúng thì phải làm rất chặt chẽ, bởi từ 600C thì con mạt nhà mới chết. Chúng ta hay phơi thảm, phơi chiếu ngoài trời nắng, nhưng nhiệt độ ngoài trời vẫn chưa thể diệt được con mạt nhà, mà phải giặt chăn, ga, gối… trong nước nóng 600C, thậm chí đối với những bệnh nhân nặng thì 2 tuần phải giặt chăn, ga… một lần, chỉ được phép dùng ga bọc, không dùng ga phủ và chất liệu nilon, đấy là điều mà chúng ta phải lưu ý. Có những bệnh nhân, sau khi kiểm soát được môi trường thì giảm hẳn việc dùng thuốc.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Khi có bệnh hen, đường hô hấp bị thu hẹp và sưng phù. Nó sản xuất thêm chất nhờn và việc thở trở nên khó khăn. Nếu bệnh hen trầm trọng có thể đe dọa đến tính mạng.

 

Dấu hiệu và triệu chứng hen:

 

- Khó thở

 

- Tức ngực hoặc đau ngực

 

- Ho hoặc thở khò khè gây khó ngủ

 

- Tiếng rít hoặc khò khè khi thở ra (thở khò khè là một dấu hiệu phổ biến của bệnh hen ở trẻ em).

 

Cơn ho hoặc thở khò khè trở nên tồi tệ bởi một loại vi rút đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm.

 

Dấu hiệu cho thấy bệnh hen có thể trở nặng:

 

- Dấu hiệu khó chịu về triệu chứng hen thường xuyên hơn

 

- Khó thở tăng

 

- Nhu cầu sử dụng thuốc xịt nhanh ngày càng thường xuyên

 

Hen không thể chữa khỏi, nhưng các triệu chứng của nó có thể được kiểm soát. Điều trị bao gồm thực hiện các bước để tránh gây ra cơn hen cụ thể bằng cách sử dụng thuốc kiểm soát dài và sử dụng thuốc nhanh để ngăn ngừa cơn hen, đồng thời để kiểm soát các triệu chứng sau khi nó bắt đầu. Bởi vì hen thay đổi theo thời gian nên bệnh nhân phải làm việc với bác sĩ để theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng và điều chỉnh điều trị khi cần thiết.

 

(dieutri.vn)

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek