Chủ Nhật, 13/10/2024 20:16 CH
Chiến lược “cân bằng và toàn diện” trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng:
Hiệu quả từ mô hình nhóm gia đình
Thứ Sáu, 03/02/2017 13:00 CH

Ông Võ Văn Thỉnh đang tư vấn cho một gia đình có người mắc tâm thần phân liệt tại xã Suối Bạc - Ảnh: VŨ HOÀNG

Một cách tiếp cận sâu sát với gia đình có người bị rối loạn tâm thần (RLTT) đã và đang được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam phối hợp với một số đơn vị chức năng triển khai tại 2 xã trên địa bàn Phú Yên là mô hình nhóm gia đình. Mô hình này bước đầu cho hiệu quả khả quan, cần nhân rộng.

 

Người nhàcủa bệnh nhân tâm thần thường chịu gánh nặng về tâm lý, luôn dằn vặt nên ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, nhiều người mất việc, mặc cảm, tự ti… Khi tham gia nhóm, họ được chia sẻ tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm và cách giải quyết các khó khăn khi chăm sóc người bệnh…

 

Nội dung phù hợp

 

Chương trình thành lập 2 nhóm gia đình có người bị RLTT ở xã Suối Trai và Suối Bạc (huyện Sơn Hòa). Ở xã Suối Trai, mô hình này đã thành lập được 3 năm, trong khi đó tại xã Suối Bạc mới triển khai được 1 năm. Theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Lan (Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam), mục đích của nhóm gia đình có người bị RLTT ngoài chia sẻ tâm tư tình cảm, kinh nghiệm và cách giải quyết khó khăn khi chăm sóc người bệnh của những người tham gia còn hiểu thêm các thông tin về bệnh tật vàc ách điều trị cho người bệnh tại nhà, tìm kiếm sự hỗ trợ tích cực từ cộng đồng.

 

Nội dung 8 buổi họp nhóm gia đình có người bị RLTT được chương trình thực hiện rất hữu ích. Từ việc hình thành nhóm tìm hiểu nhau đến thông tin về những nguyên nhân, triệu chứng và chăm sóc điều trị cho nhóm gia đình người bệnh đến việc giải quyết các khó khăn gặp phải khi chăm sóc người bệnh, từ đó giúp họ cùng tìm ra phương pháp giải quyết vấn đề. Cao hơn nữa làcách nâng sự bình đẳng giữa các thành viên gia đình và người bệnh, giúp gia đình người bệnh tự tin và sẵn sàng tham gia các hoạt động trong cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Nội dung không kém phần quan trọng là hỗ trợ phòng ngừa tái phát; giúp gia đình và người bệnh có khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ của xã hội về chế độ chính sách, học tập và việc làm. Cuối cùng là đánh giá mong đợi của các thành viên tham gia qua 8 buổi họp để xây dựng chủ đề cho các cuộc họp tiếp theo.

 

Với chương trình này, bác sĩ chuyên khoa tâm thần hỗ trợ chuyên môn tại cộng đồng và các buổi sinh hoạt; hội y tế thôn bản tổ chức, hướng dẫn, khuyến khích người nhà chia sẻ kinh nghiệm; làm cầu nối giữa người nhà và cán bộ y tế hội người khuyết tật như: nắm bắt nhu cầu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ phù hợp về xã hội và kinh tế cho người nhà… Vì có rào cản về ngôn ngữ của các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số nên vai trò của y tế thôn bản rất quan trọng trong việc hướng dẫn. Họ có thể sử dụng ngôn ngữ địa phương trong các buổi họp.

 

Hiệu quả, thiết thực

 

Theo chị Lê Thị Ngọc Hòa, nhân viên y tế, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Suối Trai, mỗi buổi họp kéo dài không quá 2 giờ, tuy nhiên đây là cơ hội để mọi người học tập lẫn nhau. Sự tham gia của những người bệnh đã ổn định có ý nghĩa rất quan trọng cho các thành viên trong nhóm. Sự tham gia của Hội Người khuyết tật có vai trò huy động nguồn lực, tìm kiếm sự hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ tài chính và các hoạt động xã hội. Các gia đình đánh giá cao sự có mặt các bác sĩ chuyên khoa ở buổi thứ 2 và thứ 6, khi có cơ hội trao đổi với các bác sĩ. Câu chuyện của các gia đình đã giải quyết tốt các vấn đề của họ được ghi chép lại để chia sẻ với các nhóm khác. Ngoài ra, Hội cũng đã hỗ trợ về vật chất thiết thực cho một số hộ có người bị RLTT.

 

Nói về Mí Lem, phụ nữ dân tộc Ê Đê, nay đã 47 tuổi (buôn Thống Nhất), các nhân viên Trạm Y tế xã Suối Trai cho rằng, năm 2000, MíLem được điều trị tại trạm y tế với Aminazine. Sau một thời gian ổn định, MíLem không chịu uống thuốc vì nghĩ là mình không bị bệnh. Sau khi được sự tư vấn và hỗ trợ của bác sĩ Trạm Chuyên khoa tâm thần tỉnh, cán bộ Trạm Y tế xã Suối Trai chuyển sang điều trị Haloperidol cho Mí Lem. Hiện tại, Mí Lem đã tiến triển tốt hơn, có thể giúp con gái nấu cơm hay chăn bò và thỉnh thoảng tự đến trạm y tế nhận thuốc uống.

 

Còn Y Thái (sinh năm 1978) ở thôn Suối Bạc, xã Suối Bạc, bị mắc chứng tâm thần phân liệt 5 năm. Vợ Y Thái, Mí Khen kể: “Khi lên cơn bệnh, chồng tôi thường la hét, cáu gắt, đập phá nhà cửa. Cứ phát bệnh là ảnh đi, sáng đi tối về. Khi họp nhóm gia đình tại Trạm Y tế xã Suối Bạc, tôi được nhắc nhở không cho chồng uống rượu, học cách chăm sóc chồng, cách cho uống thuốc hàng ngày…”. Điều đáng mừng là từ việc chăm sóc và cho uống thuốc đúng cách của vợ, Y Thái không bệnh nặng như trước; khoảng cách thời gian tái phát cũng lâu hơn. Y Thái bảo, mong bệnh khỏi hẳn để còn cùng vợ làm rẫy, lo cho các con; không làm phiền vợ con và hàng xóm.

 

Ông Võ Văn Thỉnh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Suối Bạc, cho biết: Với những gia đình có người mắc bệnh, chúng tôi cùng bác sĩ chuyên khoa tư vấn. Thật hữu ích vìở xã có chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng do Ủy Ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ. Riêng trường hợp Y Thái, chúng tôi không chỉ quan tâm hướng dẫn chăm sóc, điều trị, động viên về mặt tinh thần mà còn xem xét để hỗ trợ gia đình này về vật chất

 

Phú Yên đang quản lý hơn 2.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt và hơn 2.000 bệnh nhân động kinh. Trong khi hiện nay, cả tỉnh không có chuyên khoa để điều trị bệnh nhân tâm thần; bệnh tái phát tại cộng đồng rất nguy hiểm… Việc triển khai mô hình nhóm gia đình bị RLTT của Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam theo tôi là rất hiệu quả, thiết thực. Việc tuyên truyền trên báo đài chưa chắc gia đình người bệnh đã đọc, đã nghe hoặc có nghe thì cũng hiểu qua loa. Ở đây, các gia đình được gặp nhau chia sẻ những thắc mắc, được giải đáp và giải quyết cụ thể theo từng trường hợp. Tuy nhiên, chương trình mới triển khai ở 2 xã của tỉnh. Theo tôi, mô hình ý nghĩa này cần được nhân rộng.

 

Bác sĩ Lê Văn Lý, Trưởng Trạm Chuyên khoa tâm thần Phú Yên

 

VŨ HOÀNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek