Thứ Hai, 07/10/2024 03:22 SA
Một số sơ cấp cứu hay gặp trong mùa mưa bão
Thứ Năm, 27/09/2007 07:10 SA

SƠ CẤP CỨU GÃY XƯƠNG

 

Gãy xương hay gặp do nhà sập, cây đè, té ngã. Gãy xương nếu không được sơ cấp cứu  đúng sẽ làm nặng thêm cho nạn nhân, thậm chí có thể tử vong do sốc (sốc chấn thương), nhất là khi  gãy các xương lớn như xương đùi, xương chậu.

 

070926-cuu-ho.jpg

Thực hành sơ cứu người bị đuối nước - Ảnh: NGỌC ÁNH

 

Khi gặp một nạn nhân nghi ngờ có gãy xương, người sơ cứu nên bình  tĩnh, phán đoán xem nạn nhân bị gãy xương ở chi nào, có các thương tổn  kèm theo không, có gãy xương, xương hở không và bệnh nhân mê hay tỉnh?.  Tuyệt đối không di chuyển bệnh nhân khi chưa được cố định xương gãy. Cần cố định chi gãy theo tư thế cơ nặng (chi ở tư thế nào nên cố định ở tư thế đó), không kéo, nắn hay chỉnh sửa tư thế chi; cố định đúng kỹ thuật, bất động được các khớp trên và dưới chỗ gãy một khớp); dùng nẹp đúng cỡ, có chèn gạc hoặc giẻ ở những nơi nẹp ép sát vào da của nạn nhân (tránh xây xát, rách da). Trong trường hợp nạn nhân mê, cho đầu nghiêng về một bên (để tránh tụt lưỡi lấp đường hô hấp). Sau khi đã cố định được gãy xương, di chuyển nạn nhân nhẹ nhàng đến cơ sở y tế gần nhất đủ điều kiện để điều trị tốt hơn.

 

CẤP CỨU NGỪNG HÔ HẤP, NGỪNG TUẦN HOÀN

 

Nạn nhân có thể bị ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn trong các trường hợp ngạt nước, điện giật …Cần nhanh chóng tiến hành hô hấp nhân tạo bằng các biện pháp như hà hơi thổi ngạt hoặc vừa hà hơi thổi ngạt vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực để phục hồi hô hấp  và tuần hoàn.

 

SƠ CỨU NẠN NHÂN BỊ ĐUỐI NƯỚC

 

Chết đuối là hiện tượng tử vong do ngạt nước, có thể xảy ra với cả những người bơi giỏi mà chủ quan. Điều quan trọng nhất trong cấp cứu nạn nhân là phải khẩn trương thực hiện sơ cứu. Nếu nạn nhân còn thở và tim còn đập nhẹ, chỉ cần đặt nằm đầu thấp, thay quần áo, ủ ấm, dùng ngón tay quấn gạc hoặc khăn tay móc hết đờm dãi trong miệng. Sau đó, cho uống 20ml rượu cấp cứu hoặc nước chè đường nóng. Nên cho uống kháng sinh để phòng viêm phổi, tiêm dưới da cafein 0,25g và long não 0,2g để trợ sức.

 

Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì nhanh chóng dốc ngược đầu cho nước trong đường thở thoát ra hết, sau đó, móc hết đờm dãi trong mồm và cởi ngay quần áo, làm hô hấp nhân tạo.

 

Với người chết đuối, làm hô hấp nhân tạo theo phương pháp nằm sấp là tốt nhất: đặt nạn nhân nằm sấp, đầu nghiêng về một bên, người cấp cứu quỳ ở phía đầu nạn nhân, dùng hai bàn tay ấn mạnh lên vùng bả vai để  nạn nhân thở ra. Sau đó, cầm hai cánh tay đưa lên và ra sau để nạn nhân thở vào, làm 10 – 20 lần/phút

 

SƠ CỨU ĐIỆN GIẬT, SÉT ĐÁNH

 

Dòng điện 110 vôn trở lên có thể gây chết do rung thất và làm liệt trung khu hô hấp. Sét có điện thế rất cao (trên 1 triệu vôn). Bị điện giật nặng có thể vừa làm ngừng tim, vừa làm ngừng thở. Bị điện giật nhẹ có thể bị ngừng tim một thời gian ngắn, lên cơn co giật, sau đó nạn nhân hồi hộp, mê sảng… chỗ tiếp xúc với điện bị bỏng.

 

Nếu bệnh nhân ngừng tim, ngừng thở, cần tiến hành hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Dùng máy phá rung thất và máy hô hấp hỗ trợ. Nếu hồi sức chậm có kết quả, tiêm thẳng vào tim Ouabain 1/4mg x 1 ống và tiếp tục hồi sức. Nếu bệnh nhân chỉ mê man bất tỉnh nhưng vẫn thở và tim vẫn đập phải kích thích bằng gọi, giật tóc, vã nước vào mặt, đồng thời, theo dõi mạch, nhịp thở, huyết áp.

 

Bs. NGUYỄN VINH QUANG

Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek