Sau gần một ngày được cấp cứu toàn diện, bệnh nhân H.T.P (30 tuổi, ở phường 1, TP Tuy Hòa) đã qua cơn nguy kịch. Không còn hôn mê sâu, mạch và huyết áp ổn định, người bệnh tự thở qua ống nội khí quản và đang được tiếp tục điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên).
Trước đó, lúc 1 giờ sáng 30/11, anh P nhập viện với các triệu chứng: sốt, nôn mửa, tiêu chảy và được chẩn đoán viêm ruột (bệnh nhân không có tiền sử bệnh tật). Đến 14 giờ cùng ngày, P suy hô hấp, được chuyển từ Khoa Nhiễm đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Bệnh nhân hôn mê sâu, tim đập rời rạc, mạch và huyết áp bằng 0. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường máu của bệnh nhân rất cao, kali máu rất cao (7,2mmol/l), viêm phổi; điện tim biểu hiện tình trạng tăng kali máu. Xác định bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường biến chứng suy thận cấp, nhiễm toan ceton, các bác sĩ ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc đã áp dụng phương pháp điều trị cấp cứu toàn diện: cho bệnh nhân thở máy, dùng thuốc vận mạch, kháng sinh, bù dịch, điều trị hạ đường máu, đồng thời khẩn trương lọc máu cấp cứu từ 17 giờ ngày 30/11 đến 5 giờ sáng 1/12. Đến lúc này, bệnh nhân đã tỉnh, huyết áp 110/70mmHg nên được giảm liều và ngưng thuốc vận mạch, ngưng thở máy, giảm liều insulin. Theo Thầy thuốc Ưu tú - BSCKII Lê Phải, Trưởng khoa, trường hợp này nếu nhập viện chậm và không có máy lọc máu liên tục thì tình trạng tăng kali máu làm tim ngừng đập, bệnh nhân chắc chắn sẽ tử vong.
Anh H.T.P là bệnh nhân thứ hai được những người thầy thuốc ở Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) cứu sống trong 10 ngày qua. Trước đó, bệnh nhân L.Q.H (25 tuổi, ở xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) bị viêm phổi dẫn đến choáng nhiễm trùng, nhập viện đêm 22/11. Khoa tiến hành lọc máu liên tục trong gần 3 ngày và đã cứu được bệnh nhân này. Anh H đã được chuyển đến Khoa Nội, tiếp tục điều trị.
YÊN LAN