Thứ Hai, 14/10/2024 18:27 CH
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính:
Phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng
Thứ Hai, 28/11/2016 07:55 SA

Không lây nhiễm nhưng có tỉ lệ tử vong đứng hàng đầu và là một trong 10 căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (Chronic Obstructive Pulmonary Disease - viết tắt là COPD) như “sát thủ” vô hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm gia tăng gánh nặng về kinh tế. Báo Phú Yên đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Hải Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) về việc phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, chẩn đoán và điều trị sớm để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân COPD.

 

* Không lây nhiễm, vì sao bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính lại nguy hiểm đến vậy, thưa phó giáo sư?

 

PGS-TS Nguyễn Hải Anh - Nguồn: Internet

- Đây là một bệnh mãn tính ở đường hô hấp, thường là do bệnh nhân hút thuốc lá, thuốc lào, tiếp xúc với các khói bụi trong môi trường ô nhiễm. Theo tổ chức Y tế Thế giới, vào đầu thập niên 90, phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh đứng thứ 6 trong 10 căn bệnh nguy hiểm có tỉ lệ tử vong cao hàng đầu trên thế giới; dự đoán đến năm 2020, căn bệnh này đứng thứ ba về tỉ lệ tử vong, chỉ sau tai biến mạch máu não và bệnh tim mạch vành. Với tình hình số người hút thuốc lá, thuốc lào nhiều, ô nhiễm môi trường trong nhà và ngoài nhà nhiều, tỉ lệ mắc COPD được dự báo là sẽ tăng, tỉ lệ tử vong cũng tăng.

 

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định về Chương trình Phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt thực hiện giai đoạn 2, từ 2016-2020; Phú Yên là một trong những địa phương tham gia dự án.

 

* COPD tiến triển âm thầm; đường thở tắc nghẽn không hồi phục. Theo phó giáo sư, việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa như thế nào đối với người bệnh?

 

Theo Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025, một số chỉ tiêu liên quan đến COPD đến năm 2025 là: giảm 30% tỉ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với năm 2015, giảm tỉ lệ hút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%, 50% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm, 50% số người phát hiện bệnh được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn…

- Khi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính được phát hiện sớm, giai đoạn 1, 2, việc điều trị dễ hơn, phải dùng ít thuốc hơn. Nếu phát hiện muộn, giai đoạn 3, 4, đường thở bị tổn thương nặng nề, nhu mô phổi cũng tổn thương nặng nề, chức năng hô hấp giảm rất nhiều, bệnh nhân ho khạc đờm nhiều, khó thở cả ngày, thậm chí không thực hiện được các hoạt động hàng ngày. Khi đó, việc điều trị sẽ kéo dài, người bệnh phải dùng phối hợp nhiều loại thuốc giãn phế quản, dùng đường tiêm truyền, phải thở oxy, thở máy, có các biến chứng như tràn khí màng phổi, biến chứng về tim mạch…; chi phí điều trị rất nhiều. Cho nên việc phát hiện sớm là cực kỳ quan trọng, chi phí điều trị thấp và bệnh nhân không phải tái nhập viện thường xuyên; đồng thời chúng ta còn có thể hướng dẫn cho người bệnh phòng ngừa các yếu tố nguy cơ, như tư vấn họ bỏ thuốc lá, thuốc lào, làm giảm tốc độ suy giảm chức năng phổi.

 

Hút thuốc lá chủ động và thụ động là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: PV

 

* Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, phó giáo sư có khuyến cáo gì đối với người dân?

 

- Đối với người dân, nếu có ho, khạc đờm mãn tính, khó thở thì phải đến gặp các bác sĩ về hô hấp hoặc đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện sớm bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, được tư vấn về điều trị và phòng bệnh.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh về hô hấp thường gặp, đặc trưng bởi sự tắc nghẽn đường thở tiến triển ngày càng nặng dần, liên quan tới phản ứng viêm bất thường của đường thở và nhu mô phổi bởi các phần tử và khí độc hại. COPD có những triệu chứng lâm sàng như khó thở, ho mạn tính hoặc tăng tiết đờm và có tiền sử tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh.

 

Hút thuốc là nguyên nhân thường gặp nhất của COPD. Bệnh nhân COPD thường mắc phải những bệnh đi kèm như suy nhược, suy giảm chức năng cơ xương, hội chứng chuyển hóa, loãng xương, trầm cảm và ung thư phổi. Những bệnh đi kèm có thể xảy ra với những bệnh nhân ở các mức độ tắc nghẽn dòng khí khác nhau, từ nhẹ, trung bình đến nặng và có thể khiến bệnh nhân phải nhập viện hay tử vong.

 

Không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng COPD là bệnh có thể phòng ngừa và điều trị triệu chứng; người mắc COPD có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm diễn biến nặng nề của bệnh, giảm nguy cơ tử vong và giảm gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp COPD được phát hiện ở giai đoạn nặng hoặc rất nặng do biểu hiện bệnh ban đầu khá tương đồng với các bệnh hô hấp khác. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân về COPD, cập nhật kiến thức về phòng ngừa và điều trị bệnh cho các cán bộ y tế là rất cấp thiết.

 

(Hội Hô hấp TP Hồ Chí Minh)

 

YÊN LAN (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek