Ai cũng biết rằng hút thuốc và khói thuốc lá có tác hại đối với sức khỏe con người. Khói thuốc lá chứa trên 7.500 hóa chất, hàng trăm chất gây độc cho cơ thể, trong đó có hơn 60 chất gây ung thư. Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý: ung thư miệng, hạ hầu thanh quản, dạ dày, gan, thận..., đồng thời còn gây nhiều bệnh lý tim mạch, thận não, rối loạn sinh dục, vô sinh ở cả nam và nữ. Có thể nói, thuốc lá là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp gây nên bệnh lý ở hầu hết cơ quan của cơ thể con người. Chỉ riêng tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 40.000 người tử vong do các bệnh lý có liên quan đến thuốc lá. Về mặt kinh tế - xã hội, hậu quả do thuốc lá gây ra là không nhỏ.
Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá. Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Những năm qua, hoạt động phòng chống nói chung, truyền thông về tác hại của thuốc lá nói riêng đã được triển khai, đem lại một số hiệu quả nhất định nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Theo số liệu điều tra năm 2015, ở Việt Nam, tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc còn 45,3%, giảm 2,1% so với năm 2010. Với nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam, mỗi năm cũng chỉ giảm được 0,4% nam giới trưởng thành hút thuốc lá.
Những số liệu nêu trên cho thấy hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam là không dễ. Làm thế nào để hạn chế được số người hút, từ đó sẽ giảm được tác hại do khói thuốc gây ra là câu hỏi làm đau đầu các nhà quản lý và là thách thức không nhỏ đối với các nhà chuyên môn. “Cuộc chiến” phòng chống thuốc lá nói chung, tác hại do khói thuốc nói riêng không hề đơn giản!
Để hạn chế tác hại của thuốc lá, cần phải hạn chế từ khâu sản xuất đến phân phối lưu thông và cuối cùng là người hút. Xét về quy luật cung cầu, có cầu ắt phải có cung và ngược lại. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra một số trao đổi với mục đích làm giảm số người hút thuốc lá, từ đó giảm được tác hại của hút thuốc lá đối với sức khỏe của con người.
Thực tế cho thấy hầu hết những người trưởng thành hút thuốc lá chủ động đều nhận thức được tác hại của thuốc lá nhưng họ không bỏ được. Thậm chí một số cán bộ y tế, những người hiểu hơn ai hết về tác hại của hút thuốc lá, nhưng năm lần bảy lượt bỏ thuốc không thành công. Điều đó cho thấy bỏ thuốc không hề dễ, nó đòi hỏi sự quyết tâm, ủng hộ của bạn bè, gia đình và của cả cộng đồng xã hội.
Để bỏ thuốc lá thành công thì cần có các điều kiện như sau:
Người hút phải hiểu rõ tác hại của hút thuốc (cả chủ động và thụ động) đến sức khỏe của bản thân, gia đình và người thân của họ. Để đạt được mục đích này, vai trò của truyền thông chuyển đổi nhận thức là hết sức cần thiết. Truyền thông phải thực hiện liên tục, sử dụng nhiều hình thức truyền thông, nội dung truyền thông phải cụ thể, có tính thuyết phục. Ví dụ như cung cấp thông tin cho những người cha, người mẹ đang có con nhỏ biết rằng thuốc lá ảnh hưởng đến con họ như thế nào, rằng với hành vi hút thuốc để thỏa mãn cơn “ghiền”, họ đang làm hại con mình ra sao…
Phải có các biện pháp giảm nguồn cung thuốc lá; hạn chế buôn bán thuốc lá ở những nơi như bệnh viện, trường học; đánh thuế cao trong lĩnh vực buôn bán thuốc lá để nâng giá cả của thuốc, khi đó người hút sẽ cân nhắc hơn khi cố duy trì hành vi hút thuốc lá và là động cơ thúc đẩy bỏ thuốc.
Cần thực hiện nghiêm chế tài khi có hành vi hút thuốc và buôn bán thuốc trái với quy định. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã có hiệu lực khá lâu nhưng việc thực thi vẫn chưa đồng bộ, nghiêm túc. Vì vậy, việc thực hiện chế tài đúng theo luật sẽ có tác động rất lớn, hạn chế được người hút thuốc lá.
Hỗ trợ những người nghiện thuốc lá cai nghiện. Nghiện thuốc lá có ba dạng, đó là nghiện thuốc lá nhận thức, nghiện thuốc lá hành vi và nghiện thuốc thực sự. Loại nghiện thuốc lá thực sự hay còn gọi là nghiện nicotin, được Tổ chức Y tế Thế giới phân loại bệnh trong bảng phân loại bệnh Quốc tế ICD năm 2011 có ký hiệu là F17. Trong y học, đã là bệnh thì người bệnh phải được hỗ trợ của nhân viên y tế. Vì vậy, trong các cơ sở y tế cần có cán bộ y tế được đào tạo, tập huấn về cai nghiện và xử lý hội chứng cai cho bệnh nhân khi họ cai thuốc lá.
Cần xây dựng và nhân rộng các mô hình không khói thuốc lá trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn… Nơi nào xây dựng được mô hình không khói thuốc nên có các hình thức động viên, khen thưởng, thậm chí có một số chính sách ưu đãi trong hoạt động kinh doanh sản xuất để khuyến khích cơ sở khác noi theo.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tác hại thuốc lá tỉnh