Thứ Ba, 15/10/2024 08:18 SA
Bùng phát dịch Zika:
Đáng sợ thì ít, đáng lo thì nhiều
Thứ Hai, 24/10/2016 13:00 CH

Đầu của trẻ bình thường (ngoài cùng bên trái) và đầu của trẻ bị chứng đầu nhỏ

Xét về bệnh lý và diễn tiến của bệnh thì dịch bệnh do vi rút Zika không đáng sợ. Tuy nhiên có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy phụ nữ mang thai nếu bị bệnh do vi rút Zika thì đứa bé sinh ra có nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ. Đặc biệt, những phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika trong giai đoạn đầu của thai kỳ thì nguy cơ trẻ bị chứng đầu nhỏ từ 1-10%. Điều này thật đáng lo.

 

Zika - nỗi lo của nhiều quốc gia

 

Hiện nay, 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã ghi nhận có ca bệnh do vi rút Zika. Sự bùng phát và lây lan nhanh của dịch bệnh Zika đặt thế giới đứng trước vấn đề sức khỏe toàn cầu. Nhiều quốc gia đã công bố dịch và đặt mức cảnh báo dịch bệnh nhằm cảnh báo cho người dân về mức độ nguy hiểm và có các biện pháp phòng chống hiệu quả. Gần đây dịch bùng phát ở Singapore với hàng trăm người mắc. Chính phủ Singapore triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được khống chế. Tương tự Singapore, Thái Lan cũng đã khống chế khá thành công dịch bệnh này.

 

Tính đến ngày 21/10/2016, Việt Nam đã ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika, trong đó TP Hồ Chí Minh 5 ca; các tỉnh: Bình Dương, Khánh Hòa, Long An và Phú Yên, mỗi địa phương có 1 ca. Nếu so với các quốc gia trên thế giới cũng như trong khu vực thì số ca bệnh ở Việt Nam không phải là nhiều. Vi rút gây bệnh Zika được muỗi vằn Aedes Aegypti truyền từ người bệnh sang người lành qua vết muỗi đốt; loại muỗi vằn này cũng là muỗi trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết. Việt Nam và nhiều nước trong khu vực là vùng lưu hành của sốt xuất huyết. Đáng chú ý là gần đây, kết quả điều tra côn trùng học ở Khánh Hòa cho thấy có tỉ lệ muỗi vằn Aedes Aegypti trong tự nhiên mang vi rút Zika. Điều đó có nghĩa là vi rút gây dịch bệnh Zika đã lưu hành trong tự nhiên ở Việt Nam, đồng thời sự có mặt của véc tơ truyền bệnh sẽ là những yếu tố làm dịch bệnh Zika có nguy cơ bùng phát rất cao.

 

Cho đến nay, theo đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới, dù dịch bệnh do vi rút Zika lây lan nhanh nhưng biểu hiện lâm sàng và mức độ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh là không lớn. Thống kê cho thấy có đến 80% người bị bệnh do vi rút Zika không có triệu chứng gì, chỉ có 20% người bệnh có các triệu chứng như: sốt nhẹ; nổi ban trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc và bệnh nhân tự khỏi sau 3-7 ngày dù không điều trị. Như vậy, xét trên bình diện bệnh lý và diễn tiến của bệnh thì dịch bệnh do vi rút Zika không đáng sợ.

 

Tuy nhiên có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy phụ nữ mang thai nếu bị bệnh do vi rút Zika thì đứa bé sinh ra có nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ (Microcephaly). Những đứa trẻ này tùy theo mức độ bệnh lý sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ, có thể bị thiểu năng trí tuệ, đần độn, động kinh, co cứng não, giảm thính lực, thị lực... Bên cạnh đó, những người nhiễm vi rút Zika có nguy cơ bị Hội chứng Guillain Barré (viêm đa dây, đa rễ thần kinh) cao hơn những người bình thường. Đặc biệt, những phụ nữ bị nhiễm vi rút Zika trong giai đoạn đầu của thai kỳ thì nguy cơ trẻ bị chứng đầu nhỏ từ 1-10%.

 

Chung tay phòng chống dịch bệnh

 

Qua dịch tễ học, diễn tiến lâm sàng cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh do vi rút Zika cho thấy đây là dịch bệnh không đáng sợ nhưng thật đáng lo. Vì vậy trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chúng ta phải triển khai quyết liệt các biện pháp dự phòng cũng như chống lại sự lây lan của bệnh.

 

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cũng như phòng chống sốt xuất huyết, bao gồm phát hiện sớm ca bệnh để cách ly, điều trị triệt để (khống chế nguồn truyền nhiễm); tiêu diệt véc tơ truyền bệnh bằng cách phun thuốc diệt muỗi, đổ bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước (thường xuyên mỗi tuần một lần), lấp các ao tù nước đọng quanh nhà, làm cho nhà cửa thông thoáng; bảo vệ người lành tránh muỗi đốt bằng cách mặc áo quần dài, ngủ màn kể cả ban ngày; dùng vợt diệt muỗi, dùng nhang xua muỗi; ăn uống đủ chất, có chế độ lao động, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng của cơ thể...

 

Để triển khai tốt các biện pháp nói trên đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành, đoàn thể, các cộng đồng dân cư và từng người dân. Chúng ta không được chủ quan trước dịch bệnh này, tuy nhiên cũng đừng quá sợ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của xã hội. Trong “cuộc chiến” này, người dân có vai trò vô cùng quan trọng. BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế Phú Yên, nói: “Không phải đợi đến khi phát hiện ca bệnh thì các tỉnh, thành mới quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Chỉ mong người dân nhận thấy được vai trò của mình, của cộng đồng trong việc tham gia phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cũng như sốt xuất huyết, tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng trong việc chủ động diệt bọ gậy, để công tác phòng chống sốt xuất huyết cũng như bệnh do vi rút Zika mang lại hiệu quả lâu dài”.

 

QUANG NGUYỄN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek