Thứ Ba, 15/10/2024 10:27 SA
PGS-TS Phạm Ngọc Hoa: Giảm liều bức xạ là xu hướng chung
Thứ Hai, 24/10/2016 07:18 SA

Phẫu thuật viên chính đọc phim cắt lớp vi tính trước khi phẫu thuật cột sống cho một bệnh nhân ở Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

Với sự hỗ trợ từ các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại, người thầy thuốc có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhiều bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X - một dạng sóng điện từ, có bức xạ năng lượng cao và có khả năng gây ion hóa vật chất? Báo Phú Yên phỏng vấn PGS-TS Phạm Ngọc Hoa, Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh TP Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh và Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, về vấn đề trên.

 

* Thưa phó giáo sư, các thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại có vai trò như thế nào trong cấp cứu?

 

- Hiện nay, không chỉ trong lĩnh vực cấp cứu mà các chuyên ngành sâu khác của y khoa đều phải dựa vào hình ảnh để chẩn đoán sớm, từ đó mới điều trị chính xác. Trước đây, khi chưa có các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hiện đại như CT - chụp cắt lớp điện toán, MRI - chụp cộng hưởng từ, chúng ta thường thất bại khi chẩn đoán sớm những bệnh lý cấp cứu, bởi những biểu hiện bất thường của bệnh lý cấp cứu xuất hiện chậm và không đầy đủ. Hiện nay, trong cấp cứu, người ta sử dụng phương pháp chụp cắt lớp điện toán, phát hiện được những bất thường ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng. Chính sự phát hiện kịp thời đó sẽ giảm bớt tốn kém trong điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

 

* Bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực, các thiết bị chẩn đoán hình ảnh có sử dụng tia X như X quang, CT… như con dao hai lưỡi, nếu chúng ta lạm dụng. Phó giáo sư sẽ nói gì trong những trường hợp bệnh nhân đã chụp X quang ở cơ sở y tế tư nhân hoặc ở tuyến dưới, lên tuyến trên thì được chỉ định chụp X quang lại?

 

- Vấn đề này có nhiều yếu tố tác động. Về khách quan, cùng một bệnh lý được chẩn đoán trên cùng một hệ thống máy, nhưng hệ thống máy của cơ sở y tế này chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, không đáp ứng được để bác sĩ đưa ra quyết định điều trị. Thứ hai là có những cơ sở y tế được trang bị máy móc tương đối đầy đủ, nhưng bất cập là người sử dụng chưa được đào tạo đúng mức. Về chủ quan, ở một số cơ sở y tế, người ta chụp không phải để cố gắng giải quyết tốt cho bệnh nhân mà để giải quyết vấn đề kinh tế, vì lợi nhuận. Mặt khác, hiện nay ở đơn vị này, đơn vị kia cũng chưa “tương tác”, chưa hiểu nhau, thành ra cứ đòi hỏi phải làm lại, nhưng đó là số ít. Điều mà chúng ta thông cảm nhất là ở cơ sở y tế trước, người ta cũng thực hiện kỹ thuật đó nhưng chưa đầy đủ và chưa đáp ứng được nên khi lên tuyến trên phải chụp lại.

 

Chụp X quang cho một bệnh nhân bị trượt, xẹp đốt sống bằng thiết bị C-arm trước khi tiến hành phẫu thuật - Ảnh: YÊN LAN

 

* Phó giáo sư có khuyến cáo gì đối với việc lạm dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, nhất là với những thiết bị có liều bức xạ cao?

 

- Xu hướng của thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay là cố gắng giảm liều bức xạ cho bệnh nhân; an toàn bức xạ là vấn đề rất được quan tâm. Trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật cao, nhất là CT nhiều lớp cắt, vấn đề đặt ra là phải giảm liều bức xạ cho bệnh nhân. Nếu người thầy thuốc được đào tạo và trao đổi với nhau, thì giảm liều bức xạ là điều có thể làm được.

 

Ảnh hưởng của bức xạ đối với bệnh nhân là có, và giảm liều cho bệnh nhân là xu hướng chung. Bác sĩ chuyên ngành phải có ý thức về việc đó.

 

* Tia bức xạ từ các thiết bị chẩn đoán hình ảnh có thể đào thải ra khỏi cơ thể người bệnh hay không, thưa phó giáo sư?

 

- Mức độ ion hóa không tồn tại suốt đời. Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị bằng đồng vị phóng xạ thì sau một thời gian, tia bức xạ cũng sẽ đào thải. Chuyện quan trọng hiện nay không phải là sợ các tia bức xạ tồn tại trong cơ thể suốt đời, mà phải sử dụng đúng liều theo quy định. Trong một năm, sử dụng bao nhiêu liều thì hữu dụng cho một bệnh nhân, và đừng vượt quá. Điều đó các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh phải nắm bắt.

 

* Xin cảm ơn phó giáo sư!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek