Thứ Ba, 15/10/2024 10:22 SA
TS Nguyễn Tấn Dũng:
Loãng xương là bệnh có thể phòng ngừa
Thứ Hai, 17/10/2016 13:00 CH

Diễn tiến rất âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề, loãng xương trở thành một trong những bệnh mạn tính tiêu tốn nhiều chi phí điều trị. Phòng ngừa loãng xương bằng cách nào, bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị ra sao? Báo Phú Yên đã phỏng vấn TS.BSCKII Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện C Đà Nẵng, Ủy viên BCH Hội Thấp khớp học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam về những mối quan tâm trên.

 

* Thưa ông, đâu lànhững nguy cơ dẫn đến loãng xương?

 

TS.BSCKII Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh: YÊN LAN

- Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương gây tổn thương sức mạnh của xương, dẫn đến tăng nguy cơ gãy xương. Đây là bệnh, hậu quả của sự mất cân bằng giữa tạo xương và hủy xương. Vì xương là mô sống, liên tục được tái tạo. Trong chuyển hóa của xương, canxi và phôt-phat đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Con người khoảng 30 tuổi thì đạt mật độ xương đỉnh, sau đó bắt đầu mất xương. Khi hủy xương tăng do nội tiết tố, do dùng thuốc hay do lão hóa thì sẽ làm cho xương yếu đi. Phụ nữ thường bịloãng xương hơn nam giới. Khi nội tiết tố sụt giảm nhanh, thường thì sau tuổi 55, tốc độ mất xương rất nhanh và có thể dẫn đến loãng xương, nếu như không cóđời sống tốt, chế độ dinh dưỡng tốt trước năm 30 tuổi và vẫn duy trì sau đó. Từ 55 tuổi trở đi, cứ 3 phụ nữ thì có một người bị loãng xương. Đến 60 tuổi, cứ2 phụ nữ thì có một người bị loãng xương. Lên 70 tuổi, tỉ lệ phụ nữ bị bệnh loãng xương rất cao. Nam giới cũng bị loãng xương, nhất là những người hút thuốc lá nhiều, uống nhiều bia rượu. Bia rượu gây mất xương rất nhanh.

 

Bên cạnh đó còn có nhiều yếu tốnguy cơ đi kèm, ví dụ như cường giáp, bệnh viêm cột sống, viêm khớp dạng thấp, dùng corticoides trong thời gian dài… Cha mẹ bịloãng xương thì tỉ lệ con bị loãng xương cao. Đặc biệt, có nhiều loại thuốc làm tăng mức độ mất xương và gây ra loãng xương.

 

* Làm thế nào để chẩn đoán, điều trị bệnh loãng xương?

 

- Đo mật độ xương bằng phương pháp hấp thụ năng lượng tia X kép là cách chẩn đoán loãng xương tốt nhất hiện nay. Thiết bị đo bằng phương pháp này có độ tin cậy cao. Nếu mật độ xương của bạn đang thấp, thiết bị này sẽ “nói lên” điều đó; bác sĩ có thể can thiệp để chặn quá trình mất xương.

 

Loãng xương là một bệnh âm thầm nhưng để lại hậu quả nặng nề. Bệnh cần được chẩn đoán sớm, phát hiện các yếu tố nguy cơ và điều trị sớm, giảm nguy cơ gãy xương, tái gãy xương, giảm mất xương, tăng khối lượng xương, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm tử vong. Sự tuân thủ điều trị quyết định hiệu quả điều trị, hiệu quả điều trị quyết định sự tuân thủ.

 

* Theo ông, bao lâu thì mới đo mật độ xương một lần?

 

- Chỉ đo khi: tầm soát cho những phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh, nam giới có yếu tố nguy cơ; những người có các yếu tốthúc đẩy loãng xương thứphát, ví dụ viêm khớp, dùng corticoides kéo dài trên 3 tháng hoặc có những yếu tố bệnh kèm có nguy cơ loãng xương, như cường giáp, các trường hợp dùng thuốc chống động kinh, thuốc chống huyết khối…, và tất cả những người có gãy xương sau 50 tuổi.

 

Khi đã đo và có kết quả mật độ xương tốt, thì 5 năm sau mới phải đo lại.

 

Trong quá trình điều trị, đo định kỳ 2 năm một lần. Trường hợp mất xương cao, sử dụng corticoides kéo dài thì có thể đo định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm. So sánh kết quả trên cùng một máy, cùng một kỹ thuật, chứ không phải lần này thì đo ở bệnh viện này, lần sau lại đến bệnh viện khác đo loãng xương. Sự thay đổi mật độ xương trên 4-5% mới có ý nghĩa lâm sàng.

 

Chẩn đoán rồi, có điều trị hay chưa thì phải dựa theo hướng dẫn của Hội Loãng xương Việt Nam cũng như Hội Loãng xương quốc tế. Đối với một bệnh nhân loãng xương, người ta chỉ đo lại từ 2-3 lần trong quá trình điều trị 5 năm, chứ không phải năm nào cũng đo. Vì sao? Mật độxương thay đổi rất ít. Bác sĩ không dựa vào đó hoàn toàn mà còn phải xem xét các yếu tố khác, như bệnh nhân đỡ đau, cải thiện được chất lượng cuộc sống…

 

Nhân viên y tế chuẩn bị đo mật độ xương cho bệnh nhân bằng phương pháp hấp thụ năng lượng tia X kép tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: YÊN LAN

 

* Làm thế nào để phòng ngừa loãng xương, thưa ông?

 

- Có một quan niệm sai lầm rằng loãng xương là “việc” của người già. Không phải, loãng xương là bệnh! Vì sao người già này bị loãng xương, người già khác lại không? Có yếu tố nguy cơ nào đó thúc đẩy quá trình mất xương của họ.

 

Nếu không nhận biết loãng xương, bệnh cứ tiến triển âm thầm, cho đến khi gãy xương, vô bệnh viện, như thế là mình điều trịrất chậm.

 

Bệnh loãng xương có thể phòng ngừa bằng calcium, vitamin D và tập luyện. Nếu có chế độ dinh dưỡng, tập luyện tốt từ thời kỳ niên thiếu cho đến khi trưởng thành thì khả năng dự phòng loãng xương rất tốt. Cần phải tắm nắng. Việt Nam là một đất nước nhiệt đới, chúng ta có thểdựphòng tốt.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek