Thứ Ba, 26/11/2024 13:53 CH
Nhiễm H. Pylori ở trẻ em
Thứ Hai, 19/09/2016 10:04 SA

Hỏi: Bé nhà em năm nay 7 tuổi, thường hay bị chứng đau bụng, đã khám bệnh xổ giun đầy đủ; bé vẫn ăn, ngủ phát triển bình thường, xét nghiệm có vi trùng dạ dày (HP +). Em có cần điều trị vi trùng cho cháu không, vì sao cháu bị vi trùng, có phải vi trùng HP có thể gây ung thư dạ dày sau này?

 

Lê Thị Bích Thủy (Phường 9, TP Tuy Hòa)

 

Trả lời: Vi trùng dạ dày, tên đầy đủ Heliobacter pylori (viết tắt HP), một loại vi trùng gây bệnh khá phổ biến ở người. Ở các nước phát triển, tỉ lệ trẻ dưới 12 tuổi bị nhiễm HP gần 10%, tỉ lệ mắc tăng khoảng 0,3-1% mỗi năm tuổi. Tỉ lệ mắc ở người trưởng thành khoảng 30-50%, tỉ lệ mắc có thể cao hơn nhiều các nước đang phát triển.

 

Các yếu tố liên quan đến sự lây nhiễm HP bao gồm: độc lực vi khuẩn, đáp ứng của vật chủ (người bị nhiễm), môi trường, gen. Đường lây nhiễm chủ yếu là trực tiếp từ người sang người, đặc biệt là những người sống gần gũi. Những nghiên cứu về gen, về tần suất nhiễm HP đã chứng tỏ sự lây nhiễm giữa mẹ và con, các anh chị em của trẻ trong cùng gia đình. Khả năng lây nhiễm của các trẻ em trong cùng nhà trẻ ít hơn. Điều kiện vệ sinh kém, môi trường sống đông đúc, chật hẹp cũng có thể liên quan.

 

Về yếu tố vật chủ, người ta nhận thấy trẻ em có khả năng loại thải vi khuẩn HP tốt hơn người lớn. Tình trạng giảm nồng độ Clo trong dạ dày cũng làm ức chế sự phát triển của HP. Về yếu tố vi khuẩn, có hai dạng HP, dạng có sản sinh độc tố tế bào (cytotoxin) gây viêm dạ dày nhiều hơn là dạng không sản sinh cytotoxin.

 

Đa số trẻ em bị nhiễm HP không có triệu chứng. Bệnh cảnh thường gặp là viêm dạ dày vùng hang vị. Bệnh cảnh viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày liên quan đến nhiễm HP thường gặp ở người lớn nhưng hiếm gặp ở trẻ em. Không có liên quan rõ rệt giữa chứng đau bụng tái đi tái lại, chứng trào ngược dạ dày thực quản với nhiễm HP. Tuy nhiên, một số kết quả nghiên cứu giả thiết có liên quan giữa nhiễm HP và tình trạng chậm phát triển của trẻ do giảm hấp thu ở ruột, giảm cảm giác thèm ăn.

 

Nhiễm HP gây bệnh ở trẻ em thường ít được nghĩ tới, trừ trường hợp có bằng chứng về tình trạng loét dạ dày, tá tràng. Điều trị nhiễm HP ở trẻ em cần được cân nhắc thận trọng, nói chung không có chỉ định điều trị nhiễm HP khi không có bằng chứng viêm loét dạ dày tá tràng (chẩn đoán qua sinh thiết, nội soi), vì có thể làm tăng sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, phác đồ điều trị HP phải phối hợp nhiều kháng sinh nên sẽ có nhiều tác dụng phụ không tốt cho trẻ. Đa số chứng đau bụng vặt ở trẻ là rối loạn chức năng, sẽ tự hết sau một thời gian, em có thể thảo luận kỹ hơn với bác sĩ để quyết định.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek