Thứ Ba, 15/10/2024 22:21 CH
Tai biến trong sản khoa:
Những nguy cơ có thể ngăn chặn
Thứ Hai, 19/09/2016 13:00 CH

Khi mang thai, người phụ nữ nào cũng cầu mong mình sẽ chuyển dạ sinh con dễ dàng, an toàn. Vậy làm thế nào để giảm đến mức thấp nhất nguy cơ tai biến sản khoa, nhất là những tai biến có thể dẫn đến tử vong? Báo Phú Yên đã phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản về vấn đề này.

 

* Thưa bác sĩ, đâu là những tai biến thường gặp trong sản khoa, khi phụ nữ “vượt cạn”?

 

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh: YÊN LAN

- Thường gặp nhất ở Phú Yên trong hàng chục năm qua là sản phụ thiếu máu thiếu sắt, dẫn đến băng huyết sau sinh. Theo khuyến cáo, từ lúc mang thai cho đến sáu tuần sau khi sinh, mỗi ngày người mẹ phải uống một viên sắt để đáp ứng yêu cầu về sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Hiện nay, phụ nữ mang thai được cấp viên sắt hai lần, mỗi lần 30 viên nhằm khuyến khích họ uống viên sắt và tạo enzym. Do nhiều nguyên nhân, sau đó có người tiếp tục uống viên sắt, có người không, dẫn đến thiếu máu thiếu sắt và có nguy cơ băng huyết sau sinh.

 

Tai biến thứ hai trong sản khoa là tiền sản giật và sản giật. Chúng ta đã có những phương pháp phát hiện sớm và được trang bị cơ số thuốc cấp cứu để xử lý, chặn lại ở mức độ tiền sản giật. Sở Y tế đã phân chia trách nhiệm: Nếu tiền sản giật xảy ra ở cộng đồng thì trách nhiệm thuộc về y tế cộng đồng; nếu sản giật xảy ra tại bệnh viện, thì đó là trách nhiệm của bên điều trị. Tiền sản giật có thể được chặn đứng bằng những loại thuốc an toàn.

 

Tai biến thứ ba là dọa vỡ tử cung và vỡ tử cung. Giải pháp y khoa là không để xuất hiện những cơn co tử cung quá mức trước khi sinh. Cần chia sản phụ thành hai nhóm: nhóm có vết mổ và nhóm chưa có vết mổ nào, để theo dõi sát quá trình chuyển dạ, can thiệp đúng lúc và đúng kỹ thuật.

 

Ngoài ra trong sản khoa cũng thường gặp những tai biến khác là nhiễm trùng hậu sản và uốn ván rốn.

 

Theo chúng tôi, để tránh những nguy cơ tai biến trong sản khoa, mỗi năm, khi tổchức hai đợt phát viên sắt thì tiếp tục lồng ghép với việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, phát hiện thai kỳ nguy hiểm, tư vấn cho họ tiếp cận những sàng lọc dị tật bẩm sinh trong bụng mẹ và tư vấn cho họ đến các cơ sở y tế đủ điều kiện để sinh, chăm sóc hậu sản.

 

Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được thiết lập đầy đủ, phụ nữ mang thai có thể tiếp cận các dịch vụ thiết yếu bất cứ lúc nào. Trạm y tế ở các xã, phường đều có phòng theo dõi chuyển dạ, phòng đỡ đẻ, phòng hậu sản, chăm sóc trẻ sơ sinh. Các bệnh viện huyện đủ khả năng can thiệp, cấp cứu sản khoa; tuyến tỉnh thì có bệnh viện chuyên khoa sản - nhi. Nói như vậy không có nghĩa là sẽ không xảy ra rủi ro gì, do những đặc tính của việc mang thai và sinh nở. Vấn đề là hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ tai biến sản khoa có thể xảy ra. Nếu chủ động phòng ngừa tốt thì sẽgiảm tới 70% nguy cơ tử vong ở mẹ lẫn con. Chúng tôi luôn cố gắng tiếp cận những cái mới, có khả năng áp dụng vào thực tiễn công việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và mang lại hiệu quả.

 

* Khám thai là việc rất quan trọng, góp phần ngăn ngừa nguy cơ tử vong ở mẹ lẫn con. Theo ông, ở khu vực nông thôn, miền núi, phụ nữ mang thai đã nhận thức như thế nào vềviệc này?

 

- Phụ nữ mang thai phải đi khám thai ít nhất ba lần trong thai kỳ. Có quốc gia ở Đông Nam Á, thai phụ đi khám thai đến 20 lần! Trong ba tháng đầu, đi khám thai để biết mình có thai chưa hay do nguyên nhân nào khác, phát hiện những tai biến có thể xảy ra trong giai đoạn này, như động sẩy thai, thai lưu, thai ngoài tử cung, thai trứng… Khám thai để đo được tuổi thai, chăm sóc, bảo vệ thai nhi phát triển đủ tháng hoặc quyết định chấm dứt thai kỳ đúng thời gian mà y khoa có thể can thiệp an toàn.

 

Trong ba tháng giữa, khám thai là để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ba tháng cuối, khám thai để xem độ an toàn của các tiêu chí chuẩn bị cho việc sinh nở, như có nhau tiền đạo không, nhau bong non không…; đo xem thai nhi có tương thích với khung chậu của người mẹ hay không và các điều kiện sinh học khác của người mẹ có nguy hiểm với ca sinh nở này hay không, đồng thời có sựchuẩn bị cho việc sinh, nhất là đối với phụ nữ mang thai sống ở vùng sâu, vùng xa.

 

Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy phụ nữ người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa đã biết phải khám thai ít nhất ba lần trong thai kỳ, mục đích những lần khám khai họ đều biết. Người ta cũng biết là tuyến càng cao, trang thiết bị càng hiện đại, nhân lực càng giỏi thì độ an toàn đối với bà mẹ càng cao hơn.

 

Tuy nhiên, việc tập trung nhiều về tuyến trên dẫn đến quá tải. Những tình huống phức tạp thường tập trung lên tuyến trên, và xảy ra một tai biến là thuyên tắc ối, có thể dẫn đến tử vong cả mẹ lẫn con.

 

Cán bộ y tế khám thai cho một phụ nữ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản - Ảnh: YÊN LAN

 

* Vì sao tai biến này lại nguy hiểm đến như vậy?

 

- Đây là tai biến rất nguy hiểm vì nó diễn ra rất nhanh. Dịch ối, do một diễn biến nào đó, chui vào trong mạch máu của người mẹ, gây suy hô hấp và suy tuần hoàn, làm người mẹ tử vong và thai nhi cũng tử vong. Trường hợp này cứu rất khó. Chưa có cách nào đối phó hiệu quả với thuyên tắc ối, cũng như không thể dự đoán trước. Tuy nhiên, thuyên tắc ối không phải là phổ biến.

 

Để tránh những nguy cơ tai biến trong sản khoa thì các kỹ thuật, quy định y tế cần được áp dụng chặt chẽ; chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế ở lĩnh vực này. Tôi tin rằng nếu đồng tâm hiệp lực làm thì kết quả sẽ tốt hơn.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Ở Phú Yên, mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được phủ từ xã, huyện đến tỉnh; cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người đã đáp ứng các yêu cầu của chương trình đề ra. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa đã tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Kết quả thống kê tại Phú Yên cho thấy: Đến năm 2015, tỉ lệ tử vong ở người mẹ đã giảm còn 58,3/100.000 ca đẻ sống. Đây là con số rất đáng mừng, so với mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hợp Quốc đưa ra: Đến năm 2030, giảm tỉ lệ tử vong ở người mẹ trên toàn cầu xuống dưới 70/100.000 ca đẻ sống.

 

YÊN LAN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek