Thứ Hai, 07/10/2024 09:13 SA
Suy dinh dưỡng trẻ em - cách phòng và điều trị
Thứ Tư, 12/09/2007 07:32 SA

Tại lớp tập huấn dinh dưỡng lâm sàng cho các y bác sĩ khu vực miền Trung được tổ chức tại Phú Yên mới đây, thạc sĩ Phạm Hoàng Hưng (Khoa Nhi bệnh viện TW Huế) hướng dẫn về cách phòng và điều trị bệnh suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em. Ông Hưng cho biết:

 

070912-sdd.jpg

Trẻ dưới 2 tuổi phải được cân thường xuyên để theo dõi tình trạng sức khỏe. - Ảnh: T.THỦY

 

SDD là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển. Ở trẻ em, phần lớn SDD là do thiếu nuôi dưỡng và là hậu quả của các bệnh nhiễm khuẩn.

 

* Đối với SDD nhẹ và trung bình: Điều chỉnh khẩu phần ăn cân đối theo ô vuông thức ăn. Nếu trẻ đang bú mẹ vẫn phải tiếp tục cho bú và thời gian cho bú kéo dài 18-24 tháng. Khi trẻ cai sữa vẫn cho ăn thêm sữa bò hoặc sữa đậu nành. Theo dõi các bệnh nhiễm khuẩn thông thường ở trẻ SDD như viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm khuẩn tai mũi họng để điều trị ngay.

 

* Đối với SDD nặng: Trẻ hay bị ỉa chảy, nôn trớ, dễ bị rối loạn nước và điện giải. Nếu bệnh nhân mất nước nhẹ và trung bình có thể cho uống oresol trong 6 giờ đầu (50-100ml/kg cân nặng) sau đó đánh giá lại kết quả, nếu bệnh nhân diễn biến tốt, cho bú sữa mẹ hay sữa công thức theo lứa tuổi pha loãng. Nếu tình trạng bệnh nhân không thay đổi, tiếp tục cho uống oresol với lượng như trên. Trong tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu, mất nước nặng, cần truyền dịch ringer lactate. Cần chú ý chế độ ăn hợp lý khi trẻ bị SDD nặng như sau: Ở những bệnh nhân không bị mất nước hoặc mất nước đã hồi phục thì bắt đầu cho ăn đường miệng với số lượng ít rồi tăng dần lên. Nếu mẹ có sữa thì cho trẻ bú sữa mẹ, cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày giảm nguy cơ hạ đường huyết và hạ thân nhiệt. Để cung cấp thêm năng lượng nên dùng các loại sữa có đậm độ năng lượng cao. Từ tuần thứ hai trở đi có thể cho vào bữa ăn của trẻ những thức ăn theo lứa tuổi để thay thế dần thức ăn bằng sữa rồi chuyển dần sang chế độ ăn bình thường.

 

* Cách phòng bệnh SDD ở trẻ em: Điều chú ý đầu tiên là chăm sóc từ trong bụng mẹ: Từ lúc mang thai đến lúc đẻ, người mẹ có thể tăng cân trung bình 12kg (quý1 tăng 1 kg, quý 2 tăng 5kg, quý 3 tăng 6kg). Trong đó, 7 kg sử dụng cho thai nhi phát triển, 5kg dự trữ và tiết sữa. Do đó, người mẹ cần đi khám thai, theo dõi tăng cân từng quý để bổ sung thức ăn kịp thời, tránh cho trẻ khỏi SDD từ trong bào thai

 

Thứ hai là cho trẻ bú ngay sau sinh và bú kéo dài từ 18-24 tháng, ăn bổ sung hợp lý theo ô vuông thức ăn, đồng thời thực hiện tiêm chủng theo lịch và điều trị sớm các bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, các bà mẹ cần theo dõi cân nặng của trẻ để phát hiện sớm SDD: Dưới 1 tuổi, mỗi tháng cân trẻ 1 lần; trẻ 2-5 tuổi, 2-3 tháng cân trẻ 1 lần.  Nếu thấy cân không tăng hoặc giảm xuống thì đó là dấu hiệu của SDD.

 

Cuối cùng là việc sinh đẻ có kế hoạch. Thiếu ăn là hậu quả của những nước có tỉ lệ tăng dân số nhanh, sản xuất không đủ thoả mãn nhu cầu nên ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Vì vậy tránh đẻ dày và đẻ nhiều, mỗi gia đình chỉ nên có 2 con.

 

DƯƠNG THU (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek