Công trình nghiên cứu gần đây của trường Đại học Yale (Mỹ) đăng tải trên tạp chí Social Science & Medicine (Khoa học Xã hội & Y khoa) kết luận rằng "những người đọc sách có rủi ro tử vong trong vòng 12 năm tiếp theo thấp hơn 20% so với những người không đọc sách".
Dữ liệu này được lấy từ Nghiên cứu về Sức khỏe và Hưu trí do Viện Lão hoá Quốc gia Mỹ tài trợ. Công trình này nghiên cứu 3.635 đối tượng, tất cả đều trên 50 tuổi và được các nhà nghiên cứu chia ra làm 3 nhóm: nhóm những người không đọc sách, nhóm những người đọc tối đa 3,5 giờ một tuần và nhóm những người đọc trên 3,5 giờ một tuần.
Kết quả nghiên cứu đáng chú ý: Những người đọc sách đã sống thọ hơn những người không thường xuyên đọc sách là hai năm. Căn cứ vào những những yếu tố như trình độ học vấn, thu nhập và tình trạng sức khoẻ, kết quả nghiên cứu cho thấy những người đọc trên 3,5 giờ mỗi tuần có ít khả năng tử vong 23% trong giai đoạn 12 năm. Những người đọc tối đa 3,5 tiếng mỗi tuần hay trung bình nửa giờ mỗi ngày có ít rủi ro tử vong 17%.
Nói cách khác, giống như ăn kiêng và tập thể dục để khoẻ mạnh, sách dường như thúc đẩy một "một lợi thế trường tồn quan trọng”. Tại sao và điều đó đúng như thế nào hiện vẫn chưa rõ. Nghiên cứu chỉ nêu ra sự liên kết giữa đọc sách và tuổi thọ chứ không chỉ ra một quan hệ nhân quả. Song kết quả này cũng không gây ra nhiều ngạc nhiên. Bởi một nghiên cứu trước đó của các chuyên gia nghiên cứu thuộc Trường đại học Emory (Mỹ) cũng cho thấy việc đọc các tiểu thuyết có thể làm tăng sự kết nối bên trong của não bộ và khả năng thấu cảm.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Brain Connectivity (kết nối Não bộ), các nhà nghiên cứu Đại học Emory phát hiện rằng việc đọc sách đem lại nhiều lợi ích hơn chúng ta tưởng. Việc đọc được một quyển truyện hay hay một câu chuyện truyền cảm hứng gây tác động tích cực đến não bộ. Trưởng nhóm nghiên cứu Gregory Berns cho hay: "Những câu chuyện bổ ích giúp định hướng cuộc sống và trong một số trường hợp góp phần định hình nên con người”.
Một nhóm đối tượng nghiên cứu đã được chụp sọ não bằng cộng hưởng từ (MRI) trước, trong và sau khi đọc sách để theo dõi hoạt động của các vùng khác nhau của não bộ. Mỗi người tham gia được yêu cầu đọc truyện Pompeii trong chín ngày liên tục vào buổi tối và được chụp sọ não bằng MRI vào buổi sáng ngày hôm sau. Sau chín ngày đọc, những người tham gia tiếp tục được chụp MRI trong năm ngày liên tiếp.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động kết nối giữa các tế bào thần kinh tăng mạnh ở bán cầu não trái, khu vực có liên quan đến sự cảm thụ ngôn ngữ vào ban sáng. Ông Berns cho biết: "Ngay cả khi những người tham gia này không đọc sách khi lúc được chụp MRI, họ vẫn duy trì được mức kết nối cao ở não bộ”.
Hiện nay, Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc là ba nước dẫn đầu về tỉ lệ đọc sách nhiều nhất theo Chỉ số Văn hoá Thế giới. Mỹ đứng hàng thứ 23 sau các nước như Ai Cập, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.
Theo VOV