Luyện tập đều đặn ít nhất 2 giờ mỗi ngày mới giúp con người giảm tới 20% nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường (tiểu đường), đau tim, ung thư vú, ung thư ruột kết và nguy cơ đột quỵ.
Nghiên cứu công bố ngày 10/8 của nhóm các nhà khoa học Viện Nghiên cứu y tế thuộc Đại học Washington (Mỹ) được thực hiện dựa trên gần 200 công trình nghiên cứu tại 12 quốc gia - trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nam Phi - về mối liên hệ giữa việc tập thể dục, rèn luyện thân thể với 5 loại bệnh nói trên trong suốt 35 năm qua.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm các nhà khoa học cũng đã tiến hành đánh giá mức độ tiêu thụ năng lượng của cơ thể con người trong nhiều hoạt động khác nhau dựa trên thang đánh giá Tỉ lệ chuyển hóa năng lượng (MET).
Kết quả cho thấy việc tập luyện chỉ ở mức 600 phút/tuần theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ hầu như không có tác dụng nào với 5 loại bệnh này. Trong khi nếu tập luyện ít nhất từ 3.000 đến 4.000 phút/tuần (khoảng 2 giờ mỗi ngày), nguy cơ mắc tiểu đường và ung thư vú sẽ giảm hơn 20%, còn nguy cơ mắc ung thư ruột kết, đau tim và đột quỵ sẽ giảm hơn 25%.
Nhóm các nhà khoa học cũng nhận thấy việc đi bộ sẽ giúp tiêu thụ năng lượng gấp đôi so với việc chỉ ngồi một chỗ, tương ứng với mức 2 trong thang đánh giá MET. Trong khi đó, chạy bộ là hoạt động tiêu thụ năng lượng cao gấp 4 lần, đạt mức 8 trong thang MET. Điều đó có nghĩa là, 40 phút đi bộ mới tiêu thụ lượng calo bằng 10 phút chạy bộ.
Từ trước đến nay đã có rất nhiều nghiên cứu nhấn mạnh các lợi ích của việc tập luyện thể thao, song nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Mỹ lần này là công trình đầu tiên xác định rõ mức độ và các loại hình tập luyện để có thể giảm bớt các nguy cơ dẫn tới 5 loại bệnh nguy hiểm nói trên.
Theo TTXVN/Vietnam+