Bạch hầu, một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium Diphtheriae gây ra, có thể bùng phát thành dịch nếu không được khống chế và dập tắt kịp thời.
Người bệnh hay người lành mang mầm bệnh là nguồn truyền bệnh; bệnh lây qua đường hô hấp là chủ yếu khi tiếp với nguồn lây. Trước đây, bệnh xảy ra nhiều ở nước ta, có nơi bùng phát thành dịch với tỉ lệ tử vong khá cao. Thời gian gần đây, nhờ hiệu quả của chương trình tiêm chủng mở rộng nên bệnh đã giảm đáng kể, rải rác có các ca bệnh đơn lẻ xảy ra ở một số vùng như Quảng Ngãi, Quảng Nam.
Từ cuối tháng 6 đến ngày 12/7, tại huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) xuất hiện chùm ca bệnh với 31 người mắc và có 3 người tử vong. Số ca bệnh tập trung ở xã Thuận Lợi thuộc huyện Đồng Phú, với 30 ca; xã Thuận Phú có 1 ca. Ngay khi có ca bệnh, ngành Y tế Bình Phước đã báo cáo kịp thời về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phối hợp với Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan.
Tại Phú Yên, những năm gần đây chưa có chùm ca bệnh, cũng chưa có dịch bạch hầu. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan mà phải chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Trước hết, phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch tiêm chủng ở địa phương. Hoạt động truyền thông phải được thực hiện liên tục, thường xuyên; nhân viên y tế thôn bản, y tế xã là những người sát với cộng đồng, sát với người dân nhất nên phải tích cực tuyên truyền, đảm bảo 100% trẻ trong diện tiêm chủng được tiêm chủng.
Các cơ quan chuyên môn tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống dịch bệnh nói chung, bạch hầu nói riêng; chủ động bố trí nguồn lực để đẩy mạnh các hoạt động dự phòng khi chưa có ca bệnh xảy ra, đồng thời xây dựng các kịch bản khi có dịch để chủ động đáp ứng hiệu quả khi có dịch. Các cơ quan thông tấn báo chí dành thời lượng thích đáng cho các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Song song với việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư cần thực hiện tốt các khuyến cáo sau đây của Cục Y tế dự phòng: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người đó phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK