Thời tiết nắng, nóng như hiện nay, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, chúng ta cần thực hiện theo 10 nguyên tắc vàng sau đây:
1. Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, an toàn: Nên lựa chọn thịt có màu hơi hồng nếu là thịt heo hoặc đỏ tươi nếu là thịt bò, thớ thịt săn chắc, không có mùi lạ. Chọn cá tươi có mang đỏ hồng, thịt cá săn chắc, không vỡ bụng, không có mùi hôi. Không sử dụng rau lạ, rau củ bị dập nát, gãy vụn, mốc.
2. Thực hiện ăn chín, uống sôi, ngâm kỹ, gọt vỏ quả tươi trước khi sử dụng: Không nên ăn tiết canh, thịt heo, bò, cá, thủy sản sống hoặc tái vì các mầm bệnh ký sinh trùng, vi sinh vật có trong các thực phẩm này không bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nấu chín. Chúng sẽ đi vào cơ thể, gây nên các bệnh như bệnh sán dãi bò, sán dãi heo, sán lá gan, sán lá phổi… Ngâm kỹ, rửa rau ít nhất 3 lần hoặc rửa dưới vòi nước chảy để có thể loại trừ phần lớn hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trôi qua đường rửa. Nấu chín, mở vung cũng là cách tốt nhất để loại trừ phần lớn hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại qua đường bay hơi.
3. Ăn ngay thức ăn vừa được nấu chín: Ăn thức ăn sau nấu chín trong vòng 2 giờ đầu, vì điều kiện chế biến, bảo quản không tốt, thời tiết nóng ẩm sẽ làm thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật và vi khuẩn. Những vi sinh vật này sẽ phát triển rất nhanh theo thời gian, có thể sinh ra độc tố nên nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm là rất lớn.
4. Che đậy thức ăn cũ trước khi sử dụng: Các côn trùng như ruồi, gián và vật nuôi như chó, mèo thường mang theo rất nhiều vi trùng, trong đó có vi trùng gây bệnh. Khi chúng chạm phải thức ăn không được che đậy sẽ làm nhiễm độc thức ăn.
5. Đun lại thức ăn trước khi sử dụng: Thức ăn chuẩn bị vừa đủ khi ăn. Nếu thừa thì phải bảo quản chúng ở nhiệt độ thích hợp như nhiệt độ hâm nóng (trên 60 độ C) hay bảo quản lạnh (4-5 độ C) để tiêu diệt hay hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh. Nên đun kỹ thức ăn cũ trước khi dùng để tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh và nhớ tránh đun lại thức ăn cũ quá 2 lần.
6. Không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm chín, không dùng chung dụng cụ chế biến thực phẩm sống và chín: Việc lây nhiễm vi sinh vật dễ dàng từ thực phẩm sống (thịt, cá, trứng…) sang thức ăn đã nấu chín và gây ra ngộ độc thức ăn khi chúng ta bảo quản thức ăn.
7. Rửa sạch tay với xà phòng trước khi chế biến thực phẩm, đặc biệt sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm khác: Rửa tay sạch với xà phòng là biện pháp hữu hiệu, tiện lợi và dễ dàng nhất ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Tay cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm, trước khi tiếp xúc thực phẩm và trước khi ăn.
8. Bảo quản dụng cụ, nơi chế biến thực phẩm phải khô ráo, gọn gàng, sạch sẽ, hợp vệ sinh: Đây là cách làm giảm thiểu số lượng vi sinh vật còn sót trên bề mặt dụng cụ sau khi rửa.
9. Tuyệt đối không được sử dụng thực phẩm ôi, thiu, hỏng mốc, quá hạn: Thức ăn biến chất, hỏng, ôi, thiu chẳng những không còn giá trị dinh dưỡng mà còn chứa độc chất, vi khuẩn gây nguy hại cho sức khỏe của chúng ta.
10. Sử dụng nguồn nước sạch trong chế biến thực phẩm: Giữ gìn và sử dụng nguồn nước sạch trong gia đình và nơi công cộng luôn là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo sức khỏe của mỗi người chúng ta. Không sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm hay chứa hóa chất độc hại vì nó sẽ gây tác hại lớn đối với sức khỏe của người sử dụng.
BS ĐOÀN HÙNG ÁNH
Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa