Bệnh vào từ miệng. Những sự cố mất an toàn thực phẩm xảy ra trong thời gian gần đây khiến người dân thêm băn khoăn với câu hỏi: Ăn - uống những gì, ở đâu để không phải… nhập viện, đặc biệt là không “tích trữ” chất độc trong cơ thể? Báo Phú Yên đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, về mối quan tâm trên.
Ông Nguyễn Văn Tâm - Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
* Sau khi xảy ra sựcố mất an toàn thực phẩm, việc lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm là cả một vấn đề. Trong một số trường hợp, thực phẩm đó không còn, như vụ ngộ độc bánh mì vừa qua ở TP Tuy Hòa, hay xa hơn một chút là vụ nhuộm ruốc bằng phẩm màu ở TX Sông Cầu, làm thế nào để giải quyết cái khó này, thưa ông?
- Việc lấy mẫu được quy định rất chặt chẽ, và để kết luận một sản phẩm không an toàn thì phải có cơ sở khoa học, do một cơ quan độc lập kiểm nghiệm, kết luận. Theo quy định, người đi lấy mẫu phải có chứng chỉ lấy mẫu, cơ quan kết luận phải đạt tiêu chuẩn ISO 17025… Hàng tháng, chúng tôi tiến hành lấy mẫu giám sát trên thị trường, nếu phát hiện thì cảnh báo ngay. Còn những sự cố bất ngờ xảy ra, nếu cơ quan chức năng lấy được mẫu để kiểm nghiệm thì có thể kết luận thẳng về sản phẩm đó, nếu không lấy được mẫu thì chủ yếu là tuyên truyền cảnh báo cho người dân, hướng dẫn họ thực hiện cho đúng. Chẳng hạn như trong vụ ruốc bị nhuộm phẩm màu, chúng tôi đã cảnh báo cho người dân và hướng dẫn cho cả người bán lẫn người mua; địa phương cũng đã giám sát, trong một thời gian không phát hiện thêm trường hợp nào cả. Và chúng tôi cũng đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang lấy 30 mẫu ruốc khô ngẫu nhiên ở chợ Tuy Hòa, chợ Sông Cầu và 30 mẫu mắm ruốc để kiểm nghiệm, kết quả không có phẩm màu. Điều đó cho thấy người dân đã có chuyển biến trong nhận thức và việc làm.
* Thực phẩm nhiễm vi sinh và thực phẩm nhiễm hóa chất, loại nào gây nguy hại đến sức khỏe nhiều hơn, thưa ông?
- Ô nhiễm thực phẩm có ba nguyên nhân: do vi sinh, do vật lý và do hóa chất, đều ảnh hưởng đến sức khỏe. Người ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm vi sinh, mức độ nguy hiểm nhất là do nôn mửa, tiêu chảy gây mất nước, ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, với những trường hợp ngộ độc thực phẩm do ô nhiễm vi sinh, có kháng sinh thì xử lý được ngay, điều trị trong vòng 3-4 ngày thì sức khỏe ổn định.
Ô nhiễm hóa chất là cực kỳ nguy hiểm; người dân rất quan tâm đến vấn đề này. Những hóa chất mà Bộ NN-PTNT cho phép đưa vào sử dụng, gọi là thuốc bảo vệ thực vật, nếu làm đúng quy trình thì yên tâm. Tuy nhiên hiện nay, người dân thường làm không đúng quy trình, nên có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Hiện nay có nhiều chất cấm, ví dụ như phẩm màu công nghiệp, thuốc tăng trọng, kích thích… đều ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Đã là chất cấm thì không được đưa vào thực phẩm nhưng vì lợi nhuận, người dân vẫn lén lút làm. Điều đó rất nguy hiểm. Ô nhiễm do hóa chất là đáng sợ nhất, ảnh hưởng cả thế hệ, ảnh hưởng đến nòi giống.
Thức ăn được bày bán ở vỉa hè tại TX Sông Cầu - Ảnh: MINH NGUYỆT |
* Trước thực trạng mất an toàn thực phẩm, ông có khuyến cáo gì cho người dân?
- Để đảm bảo an toàn thực phẩm thì cả chuỗi phải an toàn. Các khâu đều tốt, riêng có một mắt xích nào đó mất an toàn thì thực phẩm sẽ mất an toàn. Ví dụ: nguyên liệu sạch, chế biến sạch nhưng nếu sơ suất trong khâu bảo quản thì vẫn gây ra hậu quả. Vì vậy, những người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước về lĩnh vực mà mình đang làm, từng khâu trong chuỗi phải an toàn thì thực phẩm mới an toàn. Muốn có được điều này thì từng cơ quan quản lý phải giám sát…
Người tiêu dùng không thể nhận biết thực phẩm nào an toàn, thực phẩm nào có hóa chất độc hại. Vì vậy, nếu phải đi ăn ở ngoài thì nên đến những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có uy tín, sạch sẽ; nếu ăn thức ăn đường phố thì chọn nơi sạch sẽ, người bán có tạp dề, khẩu trang, thức ăn được bảo quản đàng hoàng. Tốt nhất là ăn ở nhà.
Người chế biến thực phẩm phải có lương tâm nghề nghiệp, đừng vì rẻ quá mà mua nguyên liệu để chế biến. Các vụ ngộ độc tập thể xảy ra, sau khi truy xuất và điều tra, đều có suất ăn quá rẻ.
* Xin cảm ơn ông!
YÊN LAN (thực hiện)