Thứ Ba, 26/11/2024 22:25 CH
Chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết
Thứ Hai, 04/04/2016 09:51 SA

Ở nước ta, bệnh sốt xuất huyết (SXH) phát triển theo mùa. Bệnh lưu hành cao nhất ở miền Nam, quanh năm; trẻ em mắc bệnh nhiều hơn người lớn. Thời gian từ lúc bị muỗi đốt đến lúc phát bệnh là từ 13-14 ngày.

 

Điều trị trẻ bị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Sản nhi Phú Yên - Ảnh: M.NGUYỆT

 

Triệu chứng bệnh

 

Người mắc SXH sẽ sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40 độ C, sốt liên tục, kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải. Xuất huyết thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh (xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích). Khi xuất huyết ở nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng. Ngoài ra, bệnh SXH còn có các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu. Đối với trẻ nhỏ có thể có co giật do sốt cao, hốt hoảng.

 

Sốc là một diễn tiến nặng của bệnh SXH, thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh. Vì vậy, trong những ngày này, trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời những triệu chứng sau:

 

- Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm.

 

- Chảy máu mũi.

 

- Chảy máu nướu răng.

 

- Nôn ra máu hoặc ra dịch màu nâu.

 

- Tiêu ra máu hoặc tiêu ra phân đen.

 

- Tiểu ra máu.

 

- Hết sốt nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.

 

- Than đau bụng ngày càng tăng.

 

Khi thấy một trong những triệu chứng trên, cần cho trẻ đến khám ngay tại bệnh viện.

 

Chăm sóc tại nhà

 

Khi trẻ không có những dấu hiệu nặng, bác sĩ sẽ đề nghị theo dõi, chăm sóc bé tại nhà. Vì vậy, khi trẻ bệnh thì phải có người theo dõi và chăm sóc bé cả ngày lẫn đêm. Hạ sốt khi trẻ sốt trên 38 độ C, sử dụng paracetamol với liều: 10-15mg/kg cân nặng khoảng 6 giờ. Trường hợp trẻ sốt > 39 độ C thì ngoài việc hạ sốt bằng thuốc, cần lau mát cho trẻ bằng nước ấm để nhiệt độ thoát nhanh, tránh tình trạng sốt cao co giật.

 

Tránh cạo gió, cắt lể, vì như thế sẽ rất khó theo dõi tình trạng xuất huyết của trẻ.

 

Dinh dưỡng khi trẻ bị SXH

 

Trẻ mắc SXH bị sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường. Tuy nhiên do tình trạng bệnh, trẻ mệt mỏi và biếng ăn, vì vậy nên chọn những thức ăn trẻ thích, nếu trẻ ăn được ít thì nên cho ăn nhiều lần, không kiêng khem.

 

Lượng nước cần cung cấp cho trẻ bị SXH cũng nhiều hơn lúc không bệnh. Các loại nước được khuyến khích cho trẻ uống là cam, chanh tươi, chanh muối, nước dừa. Điều cần chú ýlà khi làm nước trái cây cho trẻ phải bảo đảm vệ sinh.

 

Chủ động phòng bệnh SXH

 

Sắp xếp gọn gàng trong nhà, không treo quần áo bừa bãi. Tổng vệ sinh thường xuyên, chú ýnhững loại rác có khả năng chứa nước mưa như: lốp xe, hộp đựng các vật dụng, mảnh tô, chén bể… Thả cá bảy màu ăn lăng quăng nếu nhà có bể lớn chứa nước; các bể nước cần có nắp đậy.

 

Khi ngủ phải mắc màn, kể cả ban ngày (đặc biệt là với trẻ nhỏ), cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay.

 

BS ĐOÀN HÙNG ÁNH

Giám đốc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek