Trong những năm qua, các mô hình, hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên (SKSS VTN/TN) được triển khai trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, từng bước góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ, tinh thần cho thế hệ trẻ.
CHỦ ĐỘNG CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN
Chương trình tọa đàm “Tình yêu và sức khỏe giới tính” năm 2016 do Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa vừa tổ chức thu hút hơn 200 sinh viên tham dự. Tại buổi tọa đàm, sinh viên tham gia các trò chơi, xem phim và thảo luận chủ đề chăm sóc SKSS với các nội dung về kiến thức và kỹ năng ứng xử trong các tình huống liên quan đến tình yêu, tình dục… Chị Nguyễn Diệu Hoa, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, chia sẻ: “Nhà trường thường xuyên tổ chức chương trình tọa đàm chăm sóc SKSS với sự tham gia của chuyên gia tư vấn. Thông qua việc đặt câu hỏi và trao đổi cởi mở, sinh viên chủ động tìm hiểu kiến thức và nói lên quan điểm của mình về SKSS. Ngoài ra, nhàtrường còn có Câu lạc bộ (CLB) SKSS VTN/TN sinh hoạt mỗi tháng một lần, giúp nâng cao hiệu quả truyền thông trong sinh viên”.
Cùng cách thức truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với Sở GD-ĐT đưa nội dung chăm sóc SKSS giáo dục trong một số trường THCS, THPT bằng hình thức sinh hoạt chính khóa và ngoại khóa với nhiều nội dung phong phú.
Những năm gần đây, nội dung chăm sóc SKSS VTN/TN được xem là một nội dung quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ tỉnh. Hàng năm, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chủ động lồng ghép các hoạt động chăm sóc SKSS trong giới trẻ với các hoạt động truyền thông tại địa phương bằng nhiều hình thức như: hội nghị, hội thảo, tọa đàm, hội thi tìm hiểu chuyên đề... Hờ Loan, thành viên CLB Cha mẹ và VTN/TN, SKSS/sức khỏe tình dục xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh), nói: “Thông qua sinh hoạt CLB, chúng em được truyền đạt các kiến thức về chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đặc biệt là hiểu rõ về hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Một số bạn trở thành tuyên truyền viên tuyên truyền cho người thân và người dân trong buôn biết về kiến thức này”.
ĐA DẠNG HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG
Theo bạn Phạm Hồng Thái, sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, kiến thức chăm sóc SKSS trên phương tiện truyền thông đại chúng rất phong phú, giúp giới trẻ tiếp cận nhanh chóng với thông tin cần thiết. Nhưng kiến thức từ internet rất “mênh mang” và thiếu giải pháp thực tế, nên rất cần những buổi truyền thông tư vấn trực tiếp có sự tham gia của các chuyên gia chăm sóc SKSS.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên cho thấy, do rào cản về văn hóa Á Đông, hiện giới trẻ vẫn còn e ngại trong việc tiếp cận các vấn đề cơ bản của chăm sóc SKSS và còn lúng túng về giải pháp thực tế can thiệp vấn đề này. Đó là các nội dung: tình ái, tình yêu, tình dục an toàn, có thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn, phá thai không trách nhiệm, quyền sinh sản, quyền không sinh sản, quyền hôn nhân trách nhiệm…
Ở hai kênh quan trọng định hướng giới trẻ trong vấn đề này là gia đình và nhà trường vẫn còn nặng tính truyền thống trong giáo dục kiến thức và kỹ năng chăm sóc SKSS. Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Phú Yên, cho biết: “Hiện nay, đối với giới trẻ, vấn đề cần nhất là định hướng trách nhiệm và đảm bảo an toàn trong việc chăm sóc SKSS. Hoạt động này cần thường xuyên và liên tục. Trong đó, các hoạt động giao lưu, đối thoại, nói chuyện chuyên đề về tình dục, tình yêu, hôn nhân và gia đình sao cho phù hợp với văn hóa của người Á Đông nhưng dung hòa với văn hóa hội nhập của thế giới cần được tăng cường”.
Theo bác sĩ Tuấn, các hình thức truyền thông ẩn danh đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Vì thế, các đơn vị chức năng cần mở các kênh thông tin cung cấp đường dây nóng, email và điện thoại của chuyên gia; phối hợp mở rộng tuyên truyền hơn nữa đến với đối tượng là học sinh khối THPT và sinh viên.
DIỆU ANH