Mặc dù chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika ở Việt Nam song trước sự bùng phát dịch ở một số nước trong khu vực, Bộ Y tế đã nâng cấp độ cảnh báo lên mức 2 và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hùng - Ảnh: Y.LAN |
Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, về mối lo ngại lớn của cộng đồng hiện nay và cách phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Bác sĩ Nguyễn Hùng cho biết:
- Vi rút Zika được phát hiện từ năm 1947, đến nay đã trở thành mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, dịch bệnh do vi rút Zika đang bùng phát; hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ đã thông báo có sự lan truyền vi rút Zika.
Hiện tại, Việt Nam chưa có ca nhiễm vi rút Zika, nhưng các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia… đã có người mắc. Với xu thế giao lưu thương mại, du lịch quốc tế như hiện nay, nguy cơ vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, đồng thời triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Vi rút Zika lây truyền qua muỗi Aedes bị nhiễm, cùng chủng với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, cho nên nếu có ca nhiễm vi rút Zika thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất lớn. Ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh phát động chiến dịch toàn dân tổng vệ sinh, diệt lăng quăng (bọ gậy) để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
* Phú Yên đang lưu hành loại muỗi gây nên dịch sốt xuất huyết, cùng chủng muỗi lan truyền vi rút Zika. Theo thống kê, đến giữa tháng 3/2016, toàn tỉnh có hơn 1.120 người mắc sốt xuất huyết Dengue. Theo ông, tình hình này liệu có gây khó khăn thêm trong việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika?
- Vi rút Zika lây lan qua muỗi Aedes, cùng chủng muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue. Do vậy, nếu có ca nhiễm vi rút Zika thì nguy cơ lây lan bệnh là rất lớn. Cục Y tế dự phòng khuyến cáo các địa phương, cộng đồng phải tổng vệ sinh, diệt bọ gậy. Đó là cách tốt nhất để phòng bệnh do vi rút Zika.
Phun thuốc diệt muỗi ở phường 5 (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.NGUYỆT |
* Tổ chức Y tế Thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về vi rút Zika bởi những lo ngại về khả năng gây dị tật bẩm sinh. Ông có khuyến cáo gì đối với phụ nữ đang mang thai và phụ nữ có ý định có thai?
- Khoảng 80% số người nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện, triệu chứng rõ ràng; thời gian ủ bệnh khoảng 12 ngày. Do đó, phụ nữ mang thai được khuyến cáo không nên đến những vùng có dịch lưu hành. Và đối với phụ nữ có dự định mang thai, phòng bệnh là cách tốt nhất. Người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình, diệt lăng quăng, không để muỗi sinh sản, phát triển; ngủ phải mắc màn, sử dụng kem thoa da chống muỗi… Không để muỗi đốt thì không lây truyền bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới đã nghiên cứu và đánh giá vi rút Zika có liên quan đến chứng teo não, dị tật đầu nhỏ bẩm sinh. Tuy nhiên, dị tật do vi rút này chiếm tỉ lệ nhỏ; không phải bà mẹ mang thai nào nhiễm vi rút Zika cũng sinh ra đứa trẻ dị tật đầu nhỏ…
* Triệu chứng không rõ ràng, vậy làm thế nào để nhận biết việc nhiễm vi rút Zika, thưa ông?
- Nhiễm vi rút Zika có thể có biểu hiện sốt, đau cơ, nhức đầu, đau mắt… Đó là những biểu hiện lâm sàng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có triệu chứng gì. Điều này dẫn đến khả năng lây truyền bệnh càng cao, rất nguy hiểm, đặc biệt là trong khu vực nhiệt đới.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương nghi ngờ những trường hợp nhiễm vi rút Zika thì lấy mẫu sàng lọc và gửi mẫu đến cơ sở xét nghiệm cao hơn để khẳng định có nhiễm vi rút này hay không. Các cơ sở xét nghiệm ở tỉnh và khu vực đều phải sàng lọc nếu nghi ngờ những ca bệnh có triệu chứng, biểu hiện như nhiễm vi rút Zika.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
YÊN LAN (thực hiện)