Thứ Ba, 26/11/2024 15:29 CH
Kháng thuốc - Mối quan tâm và thách thức của toàn xã hội
Chủ Nhật, 20/12/2015 11:27 SA

Sự ra đời của kháng sinh đã đánh dấu kỷ nguyên phát triển mới của y học về điều trị các bệnh nhiễm khuẩn.

 

Chăm sóc, điều trị bệnh nhân có biểu hiện kháng thuốc tại Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: TTXVN

 

Sử dụng kháng sinh không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

 

Tuy nhiên, những loại thuốc này đã được sử dụng rộng rãi, kéo dài, lạm dụng, làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc mất hiệu quả.

 

Tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là mối quan tâm chung của toàn xã hội đối với sức khỏe cộng đồng.

 

Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng đã trở nên nguy hiểm, cấp bách, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

 

Kháng thuốc ngày nay là vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng trăm ngàn người chết do kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỉ USD cho kháng thuốc.

 

Theo báo cáo năm 2013 của World Crisis trung bình mỗi nước mất từ 04-1,6% GDP quốc gia cho phòng chống kháng thuốc.

 

Hiện nay, nhiều chủng vi khuẩn đã kháng nhiều loại kháng sinh kể cả kháng sinh thế hệ mới. Trong khi đó, việc phát triển các kháng sinh mới đã chững lại từ hơn 30 năm nay và chỉ có một vài kháng sinh mới ra đời, trong khi tỉ lệ kháng của vi khuẩn ngày càng gia tăng. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

 

Bà Socorro Escalante, Trưởng nhóm phát triển hệ thống y tế, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định "Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau” và coi đây là ”quả bom hẹn giờ,” cần có các hoạt động mạnh mẽ để tương lai không đối mặt với nguy cơ không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm...

 

Trong tương lai, các quốc gia có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nếu không có các biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ dự kiến đến năm 2050 sẽ có 10 triệu người tử vong do kháng thuốc mỗi năm.

 

Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động.

 

Gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng do chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh, cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới nhận định chúng ta đang sống trong kỷ nguyên phụ thuộc kháng sinh và yêu cầu toàn cầu có trách nhiệm bảo vệ nguồn thuốc kháng sinh quý giá cho thế hệ sau.

 

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế giới mới đây tại Việt Nam cũng cho thấy trong số 10 loại thuốc được dùng biến nhất thì tỉ lệ tiêu dùng kháng sinh là cao nhất, trong đó kháng sinh thế hệ thứ 3 nằm trong đầu danh sách. Nhu cầu thực phẩm gia tăng, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng ở mức báo động. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy có đến 45 loại kháng sinh được người nông dân sử dụng để điều trị, dự phòng và thúc đẩy tăng trưởng...

 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến trình trạng kháng thuốc, trong đó có nguyên nhân là sử dụng quá liều, dưới liều hoặc lạm dụng thuốc kháng khuẩn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật kháng thuốc xuất hiện, biến đổi và lây lan.

 

Bên cạnh đó còn một nguyên nhân đặc biệt quan trọng là nhận thức của cộng đồng, cán bộ y tế về kháng thuốc còn hạn chế. Thói quen tự "chữa trị" và “bắt chước” đơn thuốc của người dân, việc mua kháng sinh quá dễ dàng và đơn giản ở bất kỳ hiệu thuốc nào, việc người bán thuốc dễ dãi bán kháng sinh mà không cần đơn thuốc hoặc tự kê đơn khi người mua có yêu cầu đã dẫn đến tình trạng sử dụng kháng sinh tùy tiện, góp phần làm gia tăng sự kháng thuốc.

 

Ngoài ra, việc dễ dãi trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Dược đã tạo cơ hội cho các nhà thuốc tự ý kê đơn, bán thuốc mà không có đơn của bác sĩ cũng góp phần làm gia tăng tình trạng lạm dụng thuốc và kháng kháng sinh...

 

Tuy nhiên, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế Nguyễn Trọng Khoa, không thể đổ lỗi cho người dân trong việc sử dụng kháng sinh chưa hợp lý. Trước hết, những người bác sĩ, dược sĩ là phải tuân thủ quy định trong việc kê đơn và bán thuốc theo đơn.

 

Bên cạnh đó các cơ quan y tế cũng phải tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe để người dân có thêm những hiểu biết về kháng sinh và sử dụng kháng sinh. Trách nhiệm chính vẫn là của bác sĩ và dược sĩ.

 

Cơ quan quản lý trực tiếp là thanh tra về dược phải tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra và xử lý các cơ sở, nhà thuốc vi phạm. Các bệnh viện phải tăng cường việc triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh ở bệnh viện, xây dựng các phác đồ điều trị và tăng cường giám sát việc kê đơn kháng sinh, có phản hồi với bác sĩ trong trường hợp kê chưa hợp lý để điều chỉnh.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek