Thứ Ba, 15/10/2024 08:22 SA
Bệnh thấp tim
Thứ Hai, 14/12/2015 09:39 SA

Bệnh thấp tim Hỏi: Xin bác sĩ cho biết có phải bị bệnh khớp lâu ngày sẽ bị biến chứng bệnh chạy vào tim. Tôi có cháu nhỏ 10 tuổi bị thấp khớp đã 3 năm, phải cho cháu tiêm phòng đến mấy tuổi?

 

Nguyễn Thị Thúy Lan (xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa)

 

Trả lời:

 

Trước hết cần nói, lâu nay thường có hai nhầm lẫn lớn. Một là không phải các bệnh khớp đều có liên quan tới tim. Hai là không phải “biến chứng chạy vào tim”.

 

Theo chuyên khoa phân biệt, có đến 35 bệnh khớp, 7 bệnh quanh khớp, 21 bệnh nội khoa khác có biểu hiện khớp và 40 bệnh xương khác có liên quan. Trong hơn 100 bệnh đó chỉ có 4 bệnh có thể kèm biến đổi ở tim. Và trong 4 bệnh này chỉ có 1 bệnh thực sự có liên quan tới tim gây nên những nhầm lẫn nói trên, đó là bệnh thấp khớp cấp (TKC). 3 bệnh khác thường gặp là bệnh viêm đa khớp dạng thấp; 2 bệnh viêm cột sống dính khớp và bệnh luput ban đỏ có thể có các biểu hiện ở tim nhưng rất hiếm.

 

Phân biệt TKC với các bệnh khớp khác thường không khó. Bệnh TKC điển hình thường xảy ra ở lứa tuổi 5-20; người bệnh thường bị viêm họng đỏ trước đó vài tuần, sau đó xuất hiện đau khớp. Khớp bị đau thường là khớp gối, mắt cá. Các khớp thường không đau cùng lúc và thời gian đau mỗi khớp chỉ vài ngày, do đó tạo cảm giác như đau di chuyển từ khớp này sang khớp khác. Đau có thể kèm sưng nóng, đỏ. Sau khi hết đau không để lại di chứng nào ở khớp (khác với bệnh viêm đa khớp dạng thấp, khớp đau sau đó có thể bị biến dạng, cứng khớp).

 

Đồng thời với lúc đau khớp, trẻ có thể đau vùng tim, khó thở và bác sĩ khám có thể phát hiện các dấu hiệu của viêm tim (nghe tim hoặc làm điện tim). Có khi chỉ có biểu hiện ở tim mà không có biểu hiện ở khớp và ngược lại, không phải mọi trẻ em bị TKC đều có biểu hiện ở tim. Các xét nghiệm giúp chẩn đoán xác định gồm có đo tốc độ lắng máu, thử phản ứng ASLO.

 

Về điều trị và dự phòng: Bản chất của TKC là một bệnh “tự miễn” mà gốc là do một loại vi khuẩn (liên cầu khuẩn) đã gây viêm họng trước đó mấy tuần. Nên việc điều trị bao gồm dùng thuốc giải tự miễn (aspirin, corticoide…) và kháng sinh diệt liên cầu.

 

Sau khi khỏi đợt cấp, để dự phòng tái phát viêm họng do liên cầu có thể làm trầm trọng thêm bệnh ở tim, mỗi tháng nên tiêm phòng bằng một mũi Penicillin chậm (Benzathin PNC). Chích phòng như vậy nên kéo dài ít nhất 5 năm sau lần bệnh gần nhất, thường lấy mốc đến 25 tuổi.

 

BS ĐOÀN VĂN HẢI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek