Đái tháo đường (ĐTĐ) hay còn gọi là tiểu đường, một bệnh lý đang có xu hướng tăng nhanh ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bệnh do rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể vì thiếu hụt hoặc tế bào không nhạy cảm với insulin dẫn đến mức đường trong máu cao. Đường trong máu cao sẽ dẫn đến nhiều thương tổn cho các cơ quan quan trọng trong cơ thể như thận, mạch máu, mắt, tim... Hậu quả là gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hay tàn phế suốt đời.
Cho đến nay, ĐTĐ vẫn là bệnh lý mãn tính, không có thuốc điều trị khỏi. Các biện pháp điều trị nhằm khống chế đường huyết ở mức độ an toàn, với mục đích ngăn ngừa hoặc kéo dài thời gian biến chứng của bệnh. Nói một cách ngắn gọn hơn, bệnh nhân bị ĐTĐ phải điều trị suốt đời. ĐTĐ được phân làm nhiều loại như ĐTĐ týp 1, ĐTĐ týp 2, ĐTĐ thai kỳ hay ĐTĐ do rối loạn chức năng của các tuyến tụy, tuyến yên... Trong phạm vị bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến ĐTĐ týp 2. ĐTĐ týp 2 là loại ĐTĐ chiếm trên 95% trong tất cả các loại ĐTĐ. Cơ chế bệnh sinh của ĐTĐ týp 2 là do tuyến tụy không tiết đủ insulin hoặc đủ insulin nhưng tế bào không nhạy cảm với insulin. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này các nhà khoa học đang nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới cho thấy những người béo phì thường dẫn đến ĐTĐ týp 2. Vì vậy, Hiệp hội ĐTĐ quốc tế khuyến cáo kiểm soát tốt cân nặng có ý nghĩa rất lớn trong phòng ngừa ĐTĐ týp 2.
Một người luôn duy trì cân nặng hợp lý, vận động thể lực đều đặn không những phòng ngừa được ĐTĐ mà còn hạn chế được rất nhiều bệnh lý khác như tim, mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa... Duy trì cân nặng hợp lý sẽ giúp người đó lao động, sinh hoạt, vui chơi giải trí thoải mái, các cơ quan trong cơ thể hoạt động với công năng tốt nhất, không bị quá tải.
Theo sinh lý chuyển hóa trong cơ thể được điều hành bởi hệ thần kinh nội tiết, mức độ năng lượng được cơ thể hấp thu từ thức ăn, nước uống sẽ dùng cho các tế bào hoạt động. Mức độ tiêu hao năng lượng này tùy thuộc vào lứa tuổi, cường độ lao động, sinh hoạt trong ngày. Nếu năng lượng không sử dụng hết sẽ được cơ thể chuyển về dự trữ ở gan hoặc tích lũy trong các mô mỡ để sử dụng khi cần thiết. Lượng mỡ dự trữ thường được tập trung ở vùng bụng, hông, mông. Ở người thừa cân, béo phì sẽ dẫn đến gánh nặng cho tim phải bóp nhiều hơn để nuôi “số trọng lượng dư thừa đó”; lượng mỡ dư thừa làm cho cholesterol, triglicerid trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu, lâu ngày làm cho thành mạch máu dày lên, xơ cứng dẫn đến cao huyết áp, dễ nghẽn mạch gây tai biến mạch máu và nhiều biến chứng khác, trong đó có ĐTĐ.
Để kiểm soát tốt cân nặng, mỗi người cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giữa năng lượng thu vào và năng lượng tiêu hao do lao động, sinh hoạt. Năng lượng thu vào phải đủ cho các hoạt động, sinh hoạt trong ngày và một phần tích lũy, phát triển thể lực của cơ thể (tùy theo lứa tuổi, nghề nghiệp) và cơ cấu nguồn năng lượng này phải hợp lý đảm bảo 60% do gluxít, 20 đến 25% từ lipít và 10 đến 15% từ protít.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bị ĐTĐ phải vận động thể lực đều đặn, hợp lý, không quá sức nhưng cũng không nên tập dưới ngưỡng dẫn đến tình trạng tăng cân. Đơn cử ở người có cân nặng ở mức thừa cân, họ cần vận động thể lực nhiều hơn để năng lượng mất đi nhiều hơn năng lượng thu vào. Ngược lại, người đã có cân nặng lý tưởng họ chỉ cần vận động thể lực vừa phải để cân đối năng lượng thu vào bằng năng lượng tiêu hao, còn ở những người gầy thì tập nhẹ nhàng và phải tăng lượng thức ăn hàng ngày để đảm bảo tăng cân...
Nói tóm lại, lợi ích của việc kiểm soát cân nặng trong phòng ngừa một số bệnh rối loạn chuyển hóa nói chung, ĐTĐ nói riêng là không thể bàn cãi. Mỗi người hãy vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội mà chú ý giữ gìn cân nặng lý tưởng.
BS NGUYỄN VINH QUANG
Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên