Ngày 24/9, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo “Xây dựng kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020” với sự tham gia của các vụ, cục liên quan cùng đại diện một số tổ chức quốc tế.
Gần 150.000 người được ngăn ngừa tử vong do AIDS
Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết tính đến tháng 6/2015, toàn quốc có 227.114 trường hợp nhiễm HIV. Số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS là 71.115 người và số người nhiễm HIV đã tử vong là 76.588 trường hợp. Dịch HIV/AIDS đã xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố với 99,8% số quận, huyện và trên 80,3% số xã, phường.
Trước tình hình trên, công tác phòng chống dịch HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp 400.000 người tránh được nhiễm HIV; 150.000 người nhiễm HIV được ngăn ngừa tử vong do AIDS, làm giảm ca nhiễm mới và tăng độ bao phủ của chương trình chăm sóc, điều trị.
Đồng thời, số trường hợp nhiễm HIV (+) và số mắc, tử vong do AIDS phát hiện hằng năm tiếp tục giảm. Tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng hiện ở mức 256/100.000 dân. Tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm có nguy cơ cao có xu hướng giảm, tuy nhiên một số địa phương có tỉ lệ nhiễm HIV trong các nhóm vẫn cao như Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội, Thái Nguyên...
Bên cạnh đó, chương trình điều trị duy trì nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được triển khai tại 47 tỉnh, thành phố với 175 cơ sở điều trị cho 33.034 bệnh nhân. Chương trình điều trị ARV đã và đang được mở rộng không ngừng. Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ và xét nghiệm HIV với 95 phòng được phép khẳng định HIV dương tính và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV. Các cơ sở này đã tư vấn, xét nghiệm cho 260.000 người, trong đó có 5.000 lượt người có kết quả HIV dương tính.
Ngoài ra, công tác thông tin giáo dục truyền thông về HIV/AIDS được xem như là vắcxin trong dự phòng lây nhiễm HIV hiện nay. Các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông được triển khai đa dạng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc truyền thông trực tiếp (míttinh, thi tuyên truyền về HIV).
HIV là gánh nặng bệnh tật hàng đầu ở Việt Nam
Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết bên cạnh các kết quả đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù số người nhiễm HIV, số mắc và số tử vong so HIV/AIDS đã giảm nhưng mức độ giảm chưa nhiều, giảm chưa bền vững. Số người mới được phát hiện hiễm HIV vẫn ở mức cao. HIV vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số tích luỹ người nhiễm HIV dương tính tiếp tục tăng cao (227.000 người nhiễm HIV) cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm, Việt Nam vẫn có 12.000 người nhiễm HIV mới và 2.000-3.000 người tử vong do HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, mức độ bao phủ của dịch vụ phòng chống HIV/AIDS còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Hiện nay, bao cao su và bơm kim tiêm mới đáp ứng được 40-50% nhu cầu (nay đang bị cắt giảm); Methadone mới đạt 40% chỉ tiêu 80.000 người được điều trị. Công tác điều trị mới đáp ứng được 42% số người nhiễm HIV dương tính được phát hiện; dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.
Đồng thời, hoạt động tư vấn, xét nghiệm HIV nhằm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao vẫn chưa thực sự hiệu quả. Nguồn kinh phí cho xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai đang gặp nhiều thách thức lớn...
Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh việc cắt giảm viện trợ sẽ khiến công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam gặp khó khăn và trở ngại trong việc điều trị ARV, Methadone, thanh toán bảo hiểm y tế. Mặc dù đã có những cam kết của Chính phủ trong việc đầu tư kinh phí cho chương trình phòng chống HIV/AIDS tuy nhiên vấn đề đầu tư bền vững vẫn là một thách thức lớn. Nếu kinh phí quốc gia không tăng lên để lấp bù những khoảng trống thì những thành tựu đã đạt được sẽ khó duy trì.
Kế hoạch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016-2020
Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ tập trung khống chế tỉ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% vào năm 2020, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế-xã hội.
Việt Nam phấn đấu 80% người dân trong độ tuổi từ 15-49 có hiểu biết đầy đủ về HIV; 80% người dân không kỳ thị, phân biệt đối xử với nguời nhiễm HIV; 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người nhiễm HIV đủ điều kiện vào điều trị theo hướng dẫn điều trị quốc gia được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV với tải lượng virus dưới ngưỡng lây truyền...
Hoạt động phòng chống HIV/AIDS thời gian tới tập trung phân phát bơm kim tiêm cho nhóm người nghiện chích ma túy thông qua các mô hình như: nhân viên tiếp cận cộng đồng, nhà thuốc, các cơ sở y tế, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ giải trí, điểm phát bơm kim tiêm cố định, hộp bơm kim tiêm cố định; ưu tiên những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc những địa bàn khó tiếp cận với bơm kim tiêm.
Đồng thời, thí điểm áp dụng và mở rộng điều trị nghiện bằng thuốc đối kháng, các thuốc mới và các thuốc y học cổ truyền trong điều trị cai nghiện; nghiên cứu áp dụng các mô hình dự phòng lây nhiễm HIV cho các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp và các loại ma túy mới.
Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục xây dựng hướng dẫn về điều trị dự phòng, chú trọng điều trị dự phòng trong quan hệ tình dục với người nhiễm HIV; cung cấp các trang thiết bị, sinh phẩm và vật phẩm triển khai chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV; tăng cường truyền thông thay đổi hành vi; mở rộng mạng lưới phòng xét nghiệm HIV với ít nhất 1 tỉnh có 1 phòng xét nghiệm và 30% số huyện có phòng xét nghiệm khẳng định HIV; triển khai và củng cố chất lượng giám sát trọng điểm HIV tại 40 tỉnh.
Theo TTXVN, Vietnam+