Nhân dịp PGS.TS Cao Minh Châu, Chủ nhiệm bộ môn Phục hồi chức năng (PHCN) Trường đại học Y Hà Nội, Tổng thư ký Hội PHCN Việt Nam, tham dự Hội thảo khoa học chuyên ngành PHCN Phú Yên mở rộng lần thứ II năm 2015, Báo Phú Yên có cuộc phỏng vấn ông về một số vấn đề liên quan đến PHCN.
* Thưa PGS.TS, đâu là vai trò thiết yếu của PHCN trong chăm sóc sức khỏe nhân dân?
PGS.TS Cao Minh Châu - Ảnh: V.HOÀNG |
- Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi con người, của gia đình và của toàn xã hội. Bốn nội dung của chăm sóc sức khỏe là: phòng bệnh, chữa bệnh, PHCN và nâng cao sức khỏe. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề chữa bệnh. Ngày nay, điều kiện kinh tế khá hơn, nhận thức của người dân được nâng lên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe được Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều và toàn diện hơn. Chuyên ngành PHCN cũng được hình thành và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu PHCN cho người khuyết tật, thể hiện tính nhân văn của xã hội ta.
PHCN không phải là một phương pháp chữa khỏi bệnh mà là một chuyên ngành mà nhờ đó người khuyết tật được hoàn lại tối đa về tinh thần, thực thể và nghề nghiệp. PHCN có nhiều biện pháp với sự tham gia của nhiều ngành, trong đó biện pháp y học là khám, chẩn đoán bệnh, lượng giá chức năng, điều trị và PHCN. Mục tiêu của PHCN là hoàn lại tối đa các chức năng sinh lý, tinh thần và nghề nghiệp; ngăn ngừa các thương tật thứ phát; tạo cho bệnh nhân có cuộc sống tự lập tối đa, hòa nhập được với gia đình, xã hội và có hoạt động nghề nghiệp.
* Đâu là những khó khăn trong công tác PHCN ở tuyến địa phương, cơ sở, thưa PGS.TS?
- Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất chú trọng công tác PHCN cho người bệnh, người khuyết tật. Tuy nhiên, ở tuyến địa phương, cơ sở, phương tiện PHCN còn nhiều hạn chế. Cán bộ y tế ở bệnh viện địa phương gặp khó khăn về khả năng tiếp cận kỹ thuật mới cũng như được đào tạo để nâng cao năng lực. Còn tại cộng đồng và gia đình, kỹ năng PHCN chưa đáp ứng.
Những năm gần đây, bệnh viện tuyến Trung ương thường xuyên chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật đào tạo năng lực, tư vấn trang thiết bị theo Đề án 1816 của Bộ Y tế đến bệnh viện của một số địa phương. Bệnh viện PHCN Phú Yên cũng được hưởng lợi từ chương trình này. Sau 10 năm trở lại thăm Bệnh viện PHCN Phú Yên, tôi thấy bệnh viện khang trang, đội ngũ y, bác sĩ được đào tạo bài bản để chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương là điều đáng mừng. Điều tôi mong muốn là bệnh viện cần phát triển những kỹ thuật cao để hội nhập với Việt Nam và cao hơn nữa là thế giới. Muốn vậy, bệnh viện nói riêng và tỉnh nói chung cần có giải pháp để thu hút nguồn kinh phí từ hoạt động xã hội hóa y tế.
Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Phú Yên - Ảnh: V.HOÀNG |
* Công tác nghiên cứu khoa học về PHCN đã và đang được các bệnh viện chú trọng. Vậy những hội thảo khoa học chuyên đề PHCN như thế này mang lại hiệu quả gì?
- PHCN dựa trên bằng chứng, nếu có hiệu quả giống như trong điều trị thì người dân mới tin. Họ sẽ quan tâm đến PHCN nếu thực hiện có hiệu quả cao. Mổ thành công mới chỉ đạt 50%, còn kết quả 50% cho PHCN. Tổ chức hội thảo là dịp để các thầy thuốc đưa ra kết quả PHCN thuyết phục.
Hội thảo là nơi các đại biểu tập trung thảo luận và chia sẻ về việc xây dựng mạng lưới PHCN, những ứng dụng mới, những sáng kiến, cải tiến, những kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, nghiên cứu khoa học về PHCN. Hội thảo hướng đến việc nâng cao hơn nữa chất lượng PHCN. Nếu có điều kiện thì hàng năm nên tổ chức hội thảo, vì nó rất bổ ích.
Ngành PHCN cần phải nỗ lực vượt bậc để đáp ứng được những đòi hỏi khách quan và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
* Trân trọng cảm ơn PGS.TS!
Có ba hình thức phục hồi chức năng
PHCN hiện nay có ba hình thức là PHCN tại bệnh viện, tại nhà và cộng đồng. Trong đó, PHCN tại bệnh viện có thể giải quyết được các bệnh nhân nặng, kết hợp được công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học; PHCN tại cộng đồng có thể giải quyết được cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những người nghèo không có điều kiện đến các bệnh viện; là giải pháp tình thế cho vấn đề thiếu nhân lực và tài chính ở các nước nghèo và các nước đang phát triển như Việt Nam. Vai trò của cộng đồng rất quan trọng khi có 80 đến 85% bệnh nhân, người khuyết tật tại cộng đồng. Ở đó, không chỉ có cán bộ y tế mà tất cả mọi người cùng tham gia PHCN, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong PHCN. |