Thứ Tư, 27/11/2024 19:24 CH
Phòng ngừa hiểm họa từ chuột
Thứ Hai, 19/01/2015 10:39 SA

Chuột là động vật làm lây truyền nhiều bệnh lý nguy hiểm cho con người. Chuột thường đem vi khuẩn, ký sinh trùng, vi rút... xâm nhập vào lương thực, thực phẩm, thức ăn, nước uống và truyền bệnh cho người.

 

Ở nước ta, chuột có hàng trăm loại, hàng chục họ khác nhau. Chúng có thói quen gặm nhấm mọi thứ cây trồng, đồ dùng trong nhà, ở bất cứ nơi nào nó cư trú, hoạt động. Về lượng đồ ăn, mỗi con chuột ăn trong một ngày có thể hết số thức ăn nặng bằng cơ thể của nó.

 

Nhiều dịch bệnh do chuột truyền bệnh làm hàng chục ngàn người mắc, hàng ngàn người tử vong như dịch hạch xảy ra trước đây ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh Hanta vi rút (gây sốt, xuất huyết và suy thận) hết sức nguy hiểm và các dịch bệnh mà chuột có vai trò truyền qua đường tiêu hóa, hô hấp khác...

Gần đây, dịch hạch đã tái xuất hiện ở một số vùng của các quốc gia ở châu Phi; Việt nam đã có trường hợp mắc bệnh Hanta vi rút tại TP Hồ Chí Minh. Tuy dịch hạch chưa tái xuất hiện ở Việt Nam, nhưng với sự phát triển như hiện nay, sự giao lưu giữa các quốc gia trở nên thuận tiện hơn, nhanh hơn. Đặc biệt, nhiều người nhập cảnh trái phép thì nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các quốc gia, các khu vực là không nhỏ.

 

Bệnh dịch hạch thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Ở Việt Nam, bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.

 

Cho đến nay, tuy chưa ghi nhận trường hợp nào ở nước ta bị dịch hạch, nhưng chúng ta không thể chủ quan. Mọi người dân, cộng đồng dân cư cần nêu cao tinh thần chủ động, triển khai các biện pháp dự phòng như sau:

 

Ở những vùng có nguy cơ khi chưa có dịch phải thường xuyên theo dõi kết quả giám sát dịch tễ học dịch hạch để chủ động phòng chống bệnh dịch; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, bố trí và sắp xếp vị trí cũng như cấu trúc nhà ở và kho tàng hợp lý, quản lý lương thực, thực phẩm; nuôi mèo, đặt bẫy, phá vỡ hang tổ chuột, khống chế, phá hủy nơi sinh sản của chuột, bọ chét; khi thấy chuột chết bất thường phải khai báo ngay với y tế cơ sở.

 

Mọi người cần chú ý che đậy kỹ thức ăn, nước uống; thường xuyên lau dọn nhà cửa sạch sẽ bằng nước sát khuẩn; xử lý tốt phân, nước, rác... Mỗi cá nhân cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi cầm nắm các công cụ lao động... Nếu thấy có các hiện tượng sốt, nổi hạch thì phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

 

Nếu thực hiện tốt các biện pháp nói trên chúng ta sẽ ngăn chặn được các hiểm họa do chuột gây ra, vừa tránh tổn thất về kinh tế vừa bảo vệ được sức khỏe cho người dân.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Giám đốc Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek