Thứ Tư, 27/11/2024 21:37 CH
Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở Phú Yên:
Còn nhiều thách thức
Thứ Hai, 10/11/2014 07:56 SA

Tham gia BHYT, giảm một phần chi phí điều trị lớn cho bệnh nhân - Ảnh: V.HOÀNG

Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện cơ chế tài chính trong chính sách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trải qua hơn 20 năm thực hiện, vai trò của chính sách BHYT ngày càng được phát huy, thể hiện qua sự đảm bảo tài chính và an toàn cuộc sống của người bệnh tham gia BHYT.

 

CHỈ ĐẠO SÂU SÁT

 

Năm 1991, Phú Yên là 1 trong 3 tỉnh triển khai thí điểm chính sách BHYT. Phú Yên cũng là 1 trong 4 tỉnh tổ chức thực hiện thí điểm hình thức BHYT tự nguyện nhân dân theo Thông tư 77 của Liên bộ Y tế - Tài chính.

 

Ngay sau khi Ban bí thư ban hành Chỉ thị số 38, ngày 7/9/2009 về việc “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, Tỉnh ủy Phú Yên đã đề ra Kế hoạch số 79 ngày 18/3/2010 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới’, trong đó chỉ đạo: “Các cấp ủy đảng, chính quyền và các đơn vị khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng thời kỳ, phải tính toán, xác định chỉ tiêu về số người tham gia BHYT”. Đầu năm 2013, sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, Tỉnh ủy Phú Yên đã đề ra Kế hoạch số 36 thực hiện Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị, chỉ đạo các ban đảng, đảng đoàn, huyện ủy, đảng ủy trực thuộc triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị.

 

HĐND tỉnh với chức năng ban hành chính sách pháp luật và giám sát, thường xuyên có các văn bản yêu cầu kiểm tra, làm rõ thông tin để báo cáo với cử tri về các vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; đồng thời đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cụ thể chỉ tiêu phấn đấu năm 2014, toàn tỉnh đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 68% dân số.

 

UBND tỉnh với chức năng quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn tỉnh đã chỉ đạo sâu sát, thường xuyên đối với các sở, ngành, đơn vị liên quan để phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT theo đúng quy định như: ban hành nhiều văn bản và thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án lộ trình tiến tới BHYT toàn dân; quy chế phối hợp thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt, năm 2014, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra xử lý vi phạm việc chấp hành chính sách pháp luật BHXH, BHYT; Thanh tra tỉnh thành lập Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT. Ở các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thành lập các tổ thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật BHYT cho người lao động.

 

Sở Y tế và BHXH tỉnh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành trong tỉnh để triển khai công tác BHYT, như: phối hợp Sở GD-ĐT triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên; phối hợp Sở LĐ-TB-XH lập danh sách đối tượng tham gia BHYT là người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo; phối hợp Sở Tài chính thực hiện chuyển trả kinh phí kịp thời cho đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định; phối hợp UBND huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi để cấp thẻ BHYT kịp thời…

 

CÒN NHỮNG THÁCH THỨC

 

Luật BHYT được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2009. Qua 5 năm, Luật BHYT đã tác động lớn đến đời sống xã hội. Số người tham gia BHYT ở tỉnh ngày một tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; giá trị của việc tham gia BHYT càng lớn hơn đối với bệnh nhân nghèo, cận nghèo hoặc những người mắc bệnh mãn tính, bệnh nan y chi phí điều trị lớn…

 

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tăng cường công tác tuyên truyền, năm 2009 tỉ lệ bao phủ BHYT ở Phú Yên là 49,2%, năm 2013 là 61% và 6 tháng đầu năm 2014 là 62%. Công tác khám chữa bệnh từng bước được cải thiện. Từ năm 2009 đến nay, tần suất khám chữa bệnh BHYT trung bình là 2,6 lần/thẻ.

 

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Luật BHYT, việc mở rộng diện bao phủ BHYT ở tỉnh ta còn thấp so với tỉ lệ chung của cả nước, hiện chỉ đạt 62% dân số tham gia BHYT. Tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện còn thấp, chỉ 14%; đối tượng cận nghèo đạt khoảng 35% trên tổng số và số tham gia hầu hết là người cao tuổi, người có bệnh mãn tính, bệnh nan y, nên tần suất khám chữa bệnh và chi phí khám chữa bệnh BHYT cao, chưa mang tính cộng đồng chia sẻ của chính sách BHYT. Đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ kịp thời (nhất là trẻ em ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa). Tỉ lệ tham gia BHYT của các đối tượng bắt buộc khác như học sinh, sinh viên, người lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất... chưa đạt được 100% theo quy định, nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng này. Tỉ lệ tham gia BHYT của đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, các đối tượng tự nguyện còn rất thấp. Chất lượng khám chữa bệnh chưa thật sự đáp ứng yêu cầu người bệnh.

 

Đây sẽ là 1 thách thức không nhỏ cho lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của Phú Yên.

 

TRÚC LY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek