Đoàn công tác của Tổng hội Y học Việt Nam vừa có buổi làm việc tại Phú Yên. Trong các chuyên đề báo cáo chủ trương, chính sách của Đảng về chăm sóc sức khỏe, vấn đề y đức và y nghiệp, thì chuyên đề Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng Việt Nam - Thực trạng và các giải pháp can thiệp đặc thù, khả thi tại Phú Yên của TS Trương Hồng Sơn (Văn phòng Tổng hội Y học Việt Nam) được nhiều người chú ý.
Theo TS Trương Hồng Sơn, dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng xã hội. Đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho phát triển, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hiện suy dinh dưỡng là thách thức lớn ở Việt Nam, đặc biệt ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai. Trong khi đó, Việt Nam lại phải đối mặt với tình hình thừa cân béo phì đang gia tăng, nhất là ở khu vực thành phố. Tình hình này đòi hỏi có những giải pháp can thiệp sớm và kịp thời nhằm giúp Việt Nam tránh được vấn đề mà các nước có thu nhập trung bình khác đã trải qua.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược quốc gia về dinh dưỡng là đến năm 2020, bữa ăn của trẻ ở tất cả các vùng đủ hơn về số lượng, cải thiện hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh; tiếp tục giảm suy dinh dưỡng trẻ em đặc biệt là trẻ em thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, kiểm soát được tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh mãn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng.
Theo thống kê, cứ 3 trẻ tử vong thì 1 trẻ liên quan đến suy dinh dưỡng. Phú Yên tồn tại cả trẻ suy dinh dưỡng và trẻ béo phì. Nếu như năm 1999 suy dinh dưỡng trẻ em Phú Yên dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ở mức 41%, thì nay còn 16,6%. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng thể thấp còi mới là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, khi ở Phú Yên tỉ lệ này chiếm gần 30%. Số liệu thống kê cuối năm 2013 cho thấy, toàn tỉnh có 11.116 trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, 19.620 trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, 4.219 trẻ suy dinh dưỡng gầy còm, 3.147 trẻ thừa cân béo phì. Trẻ thừa cân béo phì tập trung chủ yếu ở TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa. Theo TS Trương Hồng Sơn, hiện thế giới vẫn chưa có giải pháp để chặn lại tình trạng thừa cân béo phì, trong khi đó hậu quả của béo phì ở trẻ là dễ xảy ra các bệnh hen suyễn, ngừng thở khi ngủ, bị bệnh tim mạch, tiểu đường type II và về mặt xã hội trẻ dễ bị kỳ thị.
Các thông tin khoa học gần đây cho thấy, suy dinh dưỡng thấp còi là một chỉ số có giá trị phản ánh tiềm năng lớn lên và phát triển của một đứa trẻ trong tương lai, cũng như phản ánh tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Suy dinh dưỡng thấp còi sẽ ảnh hưởng cả về thể chất lẫn tinh thần của trẻ. Quãng thời gian từ khi trong bụng mẹ đến 2 tuổi là giai đoạn quan trọng bậc nhất để có các can thiệp phòng tránh trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, cũng như phòng tránh các ảnh hưởng khác của nó. Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2011-2020 dành rất nhiều quan tâm và đầu tư cho giảm suy dinh dưỡng thấp còi. Các can thiệp thiết yếu cần được triển khai lồng ghép với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác trong hệ thống y tế sẵn có, cùng các hoạt động truyền thông tại cộng đồng. Một số hoạt động can thiệp đòi hỏi sự tiếp cận của các nhân viên y tế, cán bộ phụ nữ tuyến thôn tới tận các gia đình.
Theo TS Trương Hồng Sơn, việc phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở Phú Yên cần tập trung tại tất cả các địa phương. Các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh tuy có tỉ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao, nhưng số lượng trẻ bị suy dinh dưỡng ít. Bởi vậy, tỉnh cần quan tâm đặc biệt đối với huyện Tuy An và huyện Đông Hòa (mỗi huyện có 2.600 đến 2.700 trẻ thấp còi); TP Tuy Hòa hơn 2.000 trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi.
Ngành Y tế Phú Yên cũng đã đưa ra giải pháp đẩy mạnh phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là trẻ em thể thấp còi như: triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động truyền thông vận động, truyền thông giáo dục, tư vấn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em; xây dựng và hoàn thiện các chính sách, các văn bản hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật có liên quan đến sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, các tổ chức đoàn thể và ngành Y tế trong tỉnh cần phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi; lựa chọn chủ đề phù hợp trong chăm sóc dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em nghèo; tư vấn khám thai định kỳ; nuôi con bằng sữa mẹ…
VŨ HOÀNG