Những ngày hè, thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ tăng cao, kèm theo gió, bụi là điều kiện thuận lợi cho các thực phẩm nhanh ôi thiu, dễ gây ngộ độc cho người sử dụng. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm cần được các ngành chức năng, người kinh doanh và người tiêu dùng chú trọng.
Nhiều trẻ em ở Phú Yên thích thú với thức ăn đường phố - Ảnh: M.CHÂU |
Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), nhờ đó mà số vụ ngộ độc thực phẩm giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tổ chức nhiều lễ hội thu hút nhiều du khách tham gia, nhưng không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào. Điều đó cho thấy công tác đảm bảo VSATTP được ngành Y tế và các ngành có liên quan hết sức quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Gần đây nhất, nhân Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2014, cấp tỉnh, huyện và xã đã thành lập 112 đoàn (3 đoàn tỉnh, 8 đoàn huyện, thị xã, thành phố, 101 đoàn xã, phường, thị trấn) kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm; kinh doanh tiêu dùng; dịch vụ ăn uống; bếp ăn tập thể. Kết quả ở tuyến xã có 2.246/2.267 cơ sở; tuyến huyện 673/706 cơ sở; tuyến tỉnh 22/30 cơ sở; 38 cơ sở ở tuyến xã, huyện bị hủy sản phẩm. Tháng hành động được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương và người dân. Đặc biệt, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh và 9 huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức hội nghị triển khai Tháng hành động vì chất lượng VSATTP một cách tích cực; công tác truyền thông được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức phong phú; các doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia, hưởng ứng nhiệt tình Tháng hành động vì chất lượng VSATP bằng nhiều hình thức khác nhau.
Các đầu bếp ở Khu du lịch sinh thái Sao Việt luôn chú trọng công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biến - Ảnh: M.NGUYỆT |
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra cho thấy các cơ sở đã thực hiện tốt về vệ sinh thực tế tại khu vực chế biến và thực hành chế biến. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở vi phạm, đoàn kiểm tra đã áp dụng các chế tài nghiêm khắc đối với các cơ sở này nhằm nâng cao hơn nữa ý thức tuân thủ pháp luật của người dân trong việc sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm.
Ông Tâm cho biết thêm, không chỉ trong Tháng hành động vì chất lượng VSATTP vừa qua, mà công tác quản lý an toàn thực phẩm phải triển khai một cách thường xuyên, nhất là trong mùa nắng nóng, như: tiến hành giám sát, tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết được tầm quan trọng của công tác VSATTP; đồng thời xử phạt nghiêm các đối tượng vi phạm. “Một số chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến thực phẩm chưa thường xuyên tham gia, hoặc tham gia chưa đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về VSATTP và khám sức khỏe định kỳ theo quy định. Việc lưu mẫu thực phẩm đối với một số cơ sở chưa thực hiện đúng theo quy định (thức ăn chín và sống), chưa bảo quản thực phẩm theo đúng quy định (nhiệt độ bảo quản), vệ sinh cơ sở còn kém”, ông Tâm nói.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, thực tế, người tiêu dùng rất khó phát hiện thức ăn nào đã hỏng, hay biến chất để lựa chọn, hơn nữa dù thức ăn còn tốt nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi chế biến cũng có nguy cơ bị hỏng hay do vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào qua bụi, côn trùng, qua các dụng cụ chế biến tại chỗ bị nhiễm bẩn... Vì vậy đòi hỏi cả người cung cấp lẫn người tiêu dùng phải có ý thức trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Văn Tâm: “Trong công tác VSATTP, chi cục luôn quan tâm đến hoạt động xã hội hóa và xác định đây là mục tiêu quan trọng, mang tính lâu dài - là giải pháp tốt nhất nhằm xóa bỏ mối nguy thực phẩm mất an toàn. Phú Yên đang kiện toàn các ban chỉ đạo VSATTP từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Việc xã hội hóa công tác này nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng và trách nhiệm của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm” |
VŨ HOÀNG