Thứ Năm, 28/11/2024 04:36 SA
“Cha ơi đừng hút nữa, con khó thở quá!”
Thứ Bảy, 31/05/2014 08:37 SA

Đó là tiếng kêu của con trẻ có cha hút thuốc lá và cũng là thông điệp trẻ em gửi đến những ông cha, bà mẹ nghiện thuốc lá.

 

Tình trạng hút thuốc lá ở bên cạnh trẻ em vẫn còn phổ biến - Ảnh: Internet

 

Hiện nay, môi trường của chúng ta đã và đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển của công nghiệp, sự gia tăng dân số khá nhanh đã và đang tác động đến môi trường sống nói chung, không khí nói riêng. Mức độ ô nhiễm càng tăng, tỉ lệ người mắc các bệnh về hô hấp nói riêng, các bệnh lý có liên quan đến môi trường sống nói chung cũng vì thế mà gia tăng đáng kể, tạo gánh nặng chi phí bệnh tật cho mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội. Trong các yếu tố ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, khói thuốc lá đóng vai trò không nhỏ.

 

Sử dụng thuốc lá sẽ gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ về mặt sức khỏe mà cả kinh tế. Năm 2010 và 2011, Đại học Y tế công cộng và HealthBridge Canada tại Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu để tính chi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp do mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm khi mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như: ung thư phổi, ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đột qụy. Kết quả, tổng chi phí y tế của 5 bệnh liên quan đến hút thuốc lá hơn 23.139 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 0,91% tổng GDP của cả nước trong năm 2011. Trong đó, chi phí cho ung thư phổi gần 8.280 tỉ đồng, ung thư đường hô hấp trên - tiêu hóa gần 3.256 tỉ đồng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gần 7.277 tỉ đồng, bệnh tim thiếu máu cục bộ gần 1.016 tỉ đồng, đột qụy gần 3.312 tỉ đồng.

 

Theo số liệu điều tra toàn cầu năm 2010 về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (trên 15 tuổi), cho thấy: Việt Nam thuộc 15 nước có số người hút thuốc cao nhất thế giới, tỉ lệ nam giới hút thuốc lá hơn 47% (trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc). Toàn quốc có 15,3 triệu người trên 15 tuổi hút thuốc, 33 triệu người bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà (hút thuốc thụ động); 5 triệu người bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nơi làm việc.

 

Thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe hết sức nghiêm trọng. Tỉ lệ tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá còn cao hơn nhiều so với các bệnh lý nguy hiểm khác. Trong khói thuốc lá có trên 7.000 hóa chất, trong đó có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe, hàng chục chất có thể gây nên ung thư cho người hút. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 căn bệnh: ung thư phổi, ung thư thanh quản, dạ dày, bàng quang, tụy... và là nguyên nhân của 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

 

Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu chúng ta không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030 (WHO).

 

Đáng lo ngại hơn ở Việt Nam, số người hút thuốc lá có xu hướng trẻ hóa. Trẻ em lại là đối tượng chịu ảnh hưởng của thuốc lá nhiều nhất. Nhiều nghiên cứu cho thấy trẻ em có cha hoặc mẹ nghiện thuốc lá lớn lên bị các bệnh về ung thư, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nhiều hơn các trẻ có cha mẹ không bị nghiện thuốc lá.

 

Bên cạnh tác hại của thuốc lá đến sức khỏe, người hút thuốc lá còn bị hôi miệng, ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp (không tự tin, sợ người đối thoại khó chịu...) từ đó ảnh hưởng đến công việc. Hút thuốc lá còn làm mất tập trung trong công việc, làm giảm chất lượng sản phẩm, làm tăng nguy cơ tai nạn lao động, mất thời gian để hút thuốc, ngoài ra thuốc lá còn là nguyên nhân của không ít các vụ hỏa hoạn.

 

Hiện nay, trên phạm vi thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá. Mặc dù có những thành công nhất định, tuy nhiên để đạt được như mong muốn là rất khó khăn. Có thể nói cuộc chiến phòng, chống tác hại của thuốc lá là một cuộc chiến kéo dài, dai dẳng đòi hỏi tất cả mọi người phải vào cuộc.

 

Cùng với các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá mà các cơ quan chức năng đã và đang triển khai, mỗi người, mỗi gia đình và cả cộng đồng phải vào cuộc. Trước hết trong mỗi gia đình, những ông cha, bà mẹ hãy vì sức khỏe của con em mình, vì tương lai của đất nước, nên từ bỏ thuốc lá hoặc ít ra không hút thuốc lá trong nhà hay nơi công cộng.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

GĐ Trung tâm TTGDSK Phú Yên

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek