Do tác động của yếu tố “tâm lý đám đông”, nhiều gia đình từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Ninh Thuận đổ xô đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế, xếp hàng chờ tiêm phòng! Nhiều người lo lắng vì bệnh sởi đã xuất hiện và hiện đang “cháy” vắc xin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, rubella.
Người dân các tỉnh Nam Trung Bộ đến Viện Pasteur Nha Trang chờ lấy mẫu xét nghiệm
CHƯA CÓ VẮC XIN TIÊM PHÒNG H5N1, H7N9
Chị Huỳnh Thị Hoa ở xã Ninh Ích, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Nghe tin Nha Trang có người chết vì cúm A/H1N1, mình làm nghề bán hàng rong, thường xuyên giao tiếp với khách du lịch, nên rất sợ bị lây nhiễm cúm A. Mình đến nghe bác sĩ tư vấn xong là đăng ký tiêm luôn, rồi về đưa 2 con đi tiêm phòng”. Chị Nguyễn Thanh Hường ở phường 1, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên kể: “3 năm gần đây, cứ sau tết là vợ chồng tui dẫn 2 con (6 tuổi và 12 tuổi) đến Viện Pasteur Nha Trang tiêm phòng cúm. Nhờ vậy mà cả nhà không ai bị lây nhiễm. Gia đình tui chấp nhận tốn kém, vất vả, bởi vì được tiêm tại Viện Pasteur Nha Trang vẫn yên tâm hơn”.
Từ giữa tháng 2 đến nay, do lo ngại nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh cúm mùa, rất đông người ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đắk Lắk rủ nhau đến Nha Trang, xếp hàng trước cổng Trung tâm Sinh học bệnh lâm sàng của Viện Pasteur và Phòng tiêm chủng vắc xin Safpo của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế chờ tiêm phòng. Tại 2 cơ sở trên, bình quân mỗi ngày có khoảng 100 người đến tiêm vắc xin phòng cúm, cao điểm có ngày gần 200 người xếp hàng chờ.
TS Viên Quang Mai, Phó giám đốc Viện Pasteur Nha Trang giải thích: “Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus H1N1, H3N2, H5N1, H7N9 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lây nhanh trong cộng đồng. Tiêm phòng là biện pháp chủ động ngăn ngừa, càng nhiều người tiêm phòng thì càng giảm nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, nó chỉ triệt để phát huy hiệu quả khi tỉ lệ người dân trong cộng đồng đã được tiêm phòng lên đến 80% và hiệu lực vắc xin đạt trên 95%. Riêng đối với virus H5N1, H7N9 hiện chưa có vắc xin tiêm phòng”.
“CHÁY” VẮC XIN PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU, QUAI BỊ, RUBELLA
Theo thống kê của Viện Pasteur Nha Trang, 5 năm gần đây, số ca mắc thủy đậu tăng nhiều, trong đó có nhiều người lớn mắc thủy đậu. Riêng các bệnh quai bị, rubella, những trường hợp nhiễm bệnh thường ở nhóm từ 1 đến 6 tuổi và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 18 đến 25 tuổi). Ngày càng nhiều người chủ động tiêm phòng vaccine phòng bệnh thủy đậu, quai bị, rubella; gần đây do ảnh hưởng “tâm lý đám đông” đổ xô đi tiêm phòng cúm, nên số lượng người tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nói trên cũng gia tăng.
Hiện Viện Pasteur Nha Trang cũng như các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung đã “cháy” vắc xin phòng bệnh thủy đậu, quai bị, rubella. TS Viên Quang Mai cho biết: “Tình hình sẽ được cải thiện sau khi Bộ Y tế nhập khẩu vắc xin phòng ngừa thủy đậu, quai bị, rubella. Tuần qua, Viện Pasteur Nha Trang đã xác định 1 bệnh nhân 51 tuổi mắc sởi nặng, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Người này chưa từng tiêm phòng sởi và trước khi mắc bệnh đã đi công tác ở các tỉnh phía bắc.
TS Viên Quang Mai cho biết thêm: “Trong tháng 3 này, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT sẽ tổng kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm trên người và trên gia súc, gia cầm tại một số tỉnh trọng điểm miền Trung. Mặt khác, Bộ Y tế sẽ triển khai chiến dịch tiêm vét ngừa sởi cho trẻ dưới 2 tuổi chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa tiêm mũi 2; theo đó Viện Pasteur Nha Trang sẽ tái lập các tổ tiêm chủng lưu động ở vùng sâu, vùng xa để hỗ trợ y tế cơ sở ứng phó với những nguy cơ có thể xảy ra”.
BẢO CHÂN (LĐ)